Nhiệt điện than dự kiến sẽ được tăng cường huy động để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2024. Ảnh: Nhã Chi |
Mạnh tay chia cổ tức trước thềm năm mới
Trong tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện than đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 và liên tục công bố kế hoạch cổ tức “khủng”. Đơn cử, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa chốt ngày 20/12/2023 là ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2023 với tỷ lệ 4,8% (1 cổ phiếu được nhận 480 đồng tiền mặt). Bên cạnh đó, cổ đông Công ty cũng đã thông qua việc hoàn nhập 121,5 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhằm trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 26,47% (tương đương 1 cổ phiếu nhận được 2.647 đồng). Thời gian trả cổ tức dự kiến vào tháng 3/2024.
Như vậy, 1 cổ phiếu Nhiệt điện Bà Rịa được nhận tổng cộng 3.127 đồng cổ tức. Đây là mức cổ tức kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp này.
Cũng mạnh tay chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông còn có Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại. Cụ thể, doanh nghiệp này chốt danh sách cổ đông ngày 27/12/2023 để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 tỷ lệ 2,75% (275 đồng/cổ phiếu), đồng thời thông qua phương án hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để tạm ứng cổ tức 18,75% (1.875 đồng/cổ phiếu). Tổng cộng 2 lần tạm ứng cổ tức này là 21,5% (2.150 đồng/cổ phiếu).
Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng sau tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 là 4% (400 đồng/cổ phiếu) đã chốt ngày 12/1/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 là 5,52% (552 đồng/cổ phiếu). Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh dự kiến ngày 31/1/2024 sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 7,5% (750 đồng/cổ phiếu) và trả cổ tức từ việc hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với mức 2,86% (286 đồng/cổ phiếu).
Thông thường, doanh nghiệp tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua mức cổ tức của năm. Vì vậy, con số cổ tức năm 2023 của các doanh nghiệp trên còn có thể cao hơn mức tạm ứng.
Triển vọng tích cực
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), nhu cầu tiêu thụ điện được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục mạnh trong năm 2024 sau giai đoạn 2020 - 2023 tăng trưởng thấp do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 và suy trầm kinh tế. Cụ thể, theo Kế hoạch vận hành hệ thống điện 2024, sản lượng điện toàn hệ thống năm 2024 được dự báo sẽ đạt 306,4 tỷ kWh, tăng 9% so với sản lượng điện ước tính năm 2023, tương đương mức tăng trưởng trung bình nhiều năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
FPTS đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng ngoài kỳ vọng hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục còn do hiện tượng El Nino kéo dài làm cho tình hình thủy văn năm 2024 tiếp tục kém thuận lợi. Công suất điện năng lượng tái tạo mới sẽ chỉ giới hạn trong danh sách các dự án chuyển tiếp và khả năng có thêm dự án mới là rất thấp do chưa có cơ chế giá. Với điện khí, sản lượng cấp khí dự kiến giảm mạnh (sản lượng khí cấp cho điện dự kiến từ 4,19 - 4,47 tỷ m3, giảm 15 - 20% so với năm 2023). Do đó, nhiệt điện than sẽ được tăng cường huy động để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. “Chúng tôi dự báo sản lượng nhiệt điện than toàn hệ thống năm 2024 sẽ tăng trưởng 16% so với năm 2023”, FPTS viết.
Đánh giá về triển vọng nhóm nhiệt điện than, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng sẽ tích cực trong năm 2024. MBS dự đoán sản lượng điện than năm 2024 sẽ tăng 9% so với năm 2023. Đặc biệt, huy động điện than tại miền Bắc dự báo tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 dựa trên nhiều yếu tố. Thứ nhất, miền Bắc có tỷ trọng thuỷ điện cao, bị ảnh hưởng bởi thuỷ văn kém tích cực, thời gian ảnh hưởng ít nhất đến quý II/2024, phải bù đắp bằng điện than trong cao điểm những tháng mùa nóng. Thứ hai, giá than nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, hỗ trợ giá than trộn giảm, góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh của điện than so với điện khí.
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than sẽ được hưởng lợi trong năm 2024.