Triển vọng tăng trưởng tích cực trước thách thức mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một phần ba chặng đường của năm 2022, đà phục hồi của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét. Nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể ở mức 6% - 6,5%. Tuy vậy, nền kinh tế phải đối mặt với một số rủi ro mới phát sinh.
Nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể ở mức 6% - 6,5%. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể ở mức 6% - 6,5%. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Công bố mới đây từ Nhóm công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang thực hiện có thể giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023. Dù giá cả hàng hóa tăng song lạm phát đã và đang được kiềm chế, dự kiến sẽ ở mức dưới 4%, điều này phản ánh nhu cầu của nền kinh tế vẫn chưa cao.

Trong thời gian tới, nền kinh tế còn phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Đó là lạm phát có thể tăng cao, tình hình thắt chặt tài chính toàn cầu, rủi ro từ thị trường bất động sản trong nước và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các nhà hoạch định chính sách nên linh hoạt về quy mô và cấu phần của chính sách hỗ trợ, có thể điều chỉnh theo tốc độ hồi phục. Chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt khi dư địa chính sách tiền tệ hạn chế do lo ngại rủi ro lạm phát tăng.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam khuyến nghị: “Việc thực thi nhanh và hiệu quả chương trình hỗ trợ là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng. Chương trình này nên ưu tiên về y tế, hồi phục kinh tế, triển vọng tăng trưởng trung hạn. Chính sách tài khóa cần điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa các hỗ trợ mang tính mục tiêu, tạm thời và tạo điều kiện chuyển đổi kinh tế. Trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ so với mục tiêu ban đầu”.

Dẫn một nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) vừa công bố, PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học của NEU cho biết, dự báo năm nay kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như đặt ra, nhưng đồng nghĩa với việc khó giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%.

Các động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay đến từ khu vực xuất nhập khẩu; đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn, bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn; chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm được thực hiện giúp tăng các mức chi tiêu; lĩnh vực sản xuất và ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh, đóng góp lớn trong tăng trưởng…

Tuy nhiên, theo ông Tô Trung Thành, tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Bên cạnh yếu tố đại dịch Covid-19 còn khó lường, các bất ổn chính trị thế giới leo thang, giá dầu và hàng hóa cơ bản khác tăng mạnh có thể khiến đà hồi phục toàn cầu bị đe dọa, theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Mặt khác, những khó khăn, rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh cuối cùng có thể sẽ lan sang khu vực tài chính và tiếp đó có thể tác động đến các khu vực kinh tế khác.

“Để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế, cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô”, PGS. TS. Tô Trung Thành đề xuất.

Từ góc độ khác, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Các FTA này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Các FTA này rõ ràng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và đi kèm với đó là những thách thức, bởi Việt Nam sẽ cần tiến hành thêm nhiều cải cách trong nước để giữ được vị thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia châu Á khác để tạo điều kiện cho các dòng chảy đầu tư trong khu vực cũng như tháo gỡ những rào cản không liên quan đến thuế để cả khu vực có thể phát huy tối đa tiềm năng thương mại.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát gia tăng, thâm hụt ngân sách cao, dòng tiền chảy vào kênh đầu cơ là những rủi ro đã được nhận diện từ thời điểm xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cuối năm ngoái. Đến nay, áp lực từ các rủi ro đó có phần tăng lên, đặc biệt là lạm phát. Bên cạnh đó, những biến động từ thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu có thể tác động đến đà phục hồi của nền kinh tế.

“Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhận diện được các rủi ro này, hay nói cách khác, cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm soát những điểm bất lợi với nền kinh tế. Trên thị trường tài chính, việc chấn chỉnh thị trường có thể gây xáo trộn chút ít. Nhưng về trung và dài hạn, đó là sự nhắc nhở về việc cần tiếp tục cải cách để có thị trường minh bạch, đồng thời, đảm bảo xử lý sai phạm một cách nghiêm minh song song với đảm bảo vận hành thị trường thông suốt, hiệu quả.