Trụ vững trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 như một cơn sóng thần dữ dội càn quét nền kinh tế, đẩy nhiều ngành sản xuất kinh doanh cùng hàng chục ngàn doanh nghiệp vào cảnh lao đao. Đứng trước ngưỡng thử thách cam go ấy, nhiều khu công nghiệp (KCN), nhà máy trong KCN đã thích ứng để tồn tại, trụ vững bằng những cách làm mới sáng tạo, linh hoạt.
Đối với các khu công nghiệp, việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là cơ hội tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Đối với các khu công nghiệp, việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là cơ hội tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Tác động khó lường

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập và tấn công vào nền kinh tế nước ta, nhiều lo ngại về khả năng dịch bùng phát ở các KCN với đông đảo lực lượng công nhân, dẫn đến nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lo ngại đó đã trở thành hiện thực.

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 lần thứ 4 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng lớn đến các KCN. Đầu tiên là các KCN ở các địa phương phía Bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, sau đó lan rộng ra 16 tỉnh, thành phía Nam, làm gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng như: điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may… Đây là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm của Việt Nam. Do thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ các nước đối tác nên nhiều KCN, nhà máy trong KCN trên cả nước đã phải “đắp chiếu”, ngừng hoạt động trong một thời gian dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chẳng hạn, theo ước tính, việc đóng cửa các KCN khiến kinh tế của tỉnh Bắc Giang mỗi ngày thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tìm ra giải pháp để duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số KCN, nhà máy trong KCN chủ lực không phải là bài toán “dễ làm”.

Theo báo cáo của tỉnh Hải Dương, tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, khả năng đáp ứng các điều kiện cung cấp chỗ ăn, nghỉ cho toàn bộ công nhân để đảm bảo biện pháp cách ly tại chỗ, khép kín từ nhà máy đến nhà trọ của các doanh nghiệp trong KCN chỉ đạt khoảng 5 - 10% so với yêu cầu.

Trong khi đó, các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên chỉ có khả năng cung cấp 30% chỗ trọ.

Là 2 địa phương tập trung đông lao động tại các KCN nên khi dịch Covid-19 bùng phát lần 4, các KCN ở tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do liên quan đến chuỗi sản xuất các sản phẩm điện tử của các tập đoàn như Samsung, Canon, Foxcon... Bởi ngành điện tử có mức độ liên kết ngành theo chuỗi sản phẩm rất lớn, phụ thuộc lẫn nhau cao.

Từ tháng 6/2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở các tỉnh phía Nam, kéo theo đó nhiều KCN, nhà máy trong các KCN tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh gần như tê liệt, đã có nhiều ca bệnh Covid-19 trong các KCN nên hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, kéo theo đó là hàng chục vạn công nhân không có việc làm, ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng đã ký kết.

Thích ứng nhanh với cách làm mới sáng tạo

Tìm lời giải cho bài toán mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19, một số nhà máy tại các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã tiên phong áp dụng các biện pháp linh hoạt như “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” một cách hiệu quả và thành công.

Mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) được khởi đầu áp dụng tại Bắc Giang vào tháng 5/2021 khi dịch Covid-19 tấn công vào KCN. Mô hình này sau đó được thực hiện hiệu quả ở tỉnh Bắc Ninh và một số KCN tại các tỉnh, thành phía Nam, là giải pháp quan trọng, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tại cuộc họp ngày 11/6/2021 của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với một số địa phương có nhiều KCN, cụm công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo tiêm vắc xin cho công nhân làm việc trong các KCN, KKT, trong đó ưu tiên cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, phân loại công nhân làm việc trong các nhà máy theo thứ tự ưu tiên, trong đó tập trung các đối tượng lao động trong doanh nghiệp đứng đầu các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất, xuất nhập khẩu gửi Văn phòng Chính phủ để có phương án ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin cho các đối tượng này.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, nhằm bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, một mặt, Bắc Giang xét nghiệm, lập danh sách và phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa số công nhân đủ điều kiện ra khỏi khu cách ly tập trung, cách ly xã hội trở về địa phương để tránh nguy cơ lây chéo. Mặt khác, Bắc Giang cũng tiến hành đánh giá điều kiện sản xuất gắn với phòng, chống dịch để khôi phục hoạt động của 4 KCN Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng. Mô hình “3 tại chỗ” xuất hiện từ đây. Doanh nghiệp bố trí nơi ăn ở tại chỗ cho người lao động, tách biệt với bên ngoài. Người lao động làm việc tại cùng một bộ phận được bố trí cùng ăn, cùng ở với nhau; khi di chuyển cùng đi chung một xe. Các khu vực sản xuất được bố trí vách ngăn để cách ly từng khu vực sản xuất. Với giải pháp này, Bắc Giang đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp trong KCN. Hiện 100% doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Bắc Giang đã hoạt động trở lại, với trên 121.000 công nhân lao động.

Một ví dụ điển hình khác về cách làm sáng tạo, thích ứng với điều kiện bình thường mới là mô hình "Tổ hỗ trợ công nhân" ở Bắc Ninh. Theo đó, các địa phương có KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân” để sắp xếp nơi ở cho công nhân trong cùng 1 nhà trọ/khu trọ/khu vực có nhiều nhà trọ gần nhau. Từ ngày 2/8/2021, Bắc Ninh yêu cầu lao động ở lại Bắc Ninh làm việc, không di chuyển sang địa phương khác. Với các lao động là người Bắc Ninh, phải thực hiện nghiêm quy định “2 địa điểm, 1 cung đường”.

2 mô hình nêu trên đang được nhiều địa phương nhân rộng và linh hoạt áp dụng, phát triển thành các mô hình sản xuất kinh doanh mới phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp trong KCN. Có thể kể tới mô hình 2 tại chỗ + 1 vùng xanh sản xuất; duy trì sản xuất theo công thức 7K + 3T (7K là Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh và 3T là Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc)…

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, những mô hình, những cách làm linh hoạt này của các KCN, nhà máy trong KCN không phải được định hình sẵn từ trước, mà nó chính là phương thức thích ứng của tư duy sáng tạo, đem lại hiệu quả kinh tế. Điều này cũng cho thấy doanh nghiệp Việt năng động và có bản lĩnh vượt qua khó khăn, thách thức để sinh tồn, biết chớp các thời cơ để tồn tại.

Tin cùng chuyên mục