Trung Nam Group đề xuất đầu tư cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung Nam Group đề xuất TP.HCM cho phép doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT.
Phối cảnh cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ
Phối cảnh cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Tập đoàn Trung Nam đề xuất Thành phố cho phép doanh nghiệp thực hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo theo hình thức hợp đồng BT được quy định tại Luật số 57/2024/QH15 ban hành ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Tập đoàn Trung Nam cho rằng, việc đầu tư cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tạo điều kiện cho TP.HCM huy động nguồn lực tư nhân để phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và giảm áp lực cho ngân sách Thành phố khi không phải góp vốn nếu triển khai theo hình thức BT.

Nhà đầu tư cam kết sẽ huy động nguồn lực tối ưu để triển khai 2 dự án hiệu quả, đảm bảo chất lượng và trình hồ sơ ngay khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương nhằm rút ngắn tiến độ.

Trung Nam Group cho biết, doanh nghiệp có lợi thế khi trước đây Liên danh Trung Nam Group - Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ đã nghiên cứu lập đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và đã bàn giao hồ sơ nghiên cứu để Sở Giao thông vận tải (GTVT) hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng thẩm định TP.HCM ngày 1/12/2023.

"Dựa trên những kinh nghiệm đã có, chúng tôi đặc biệt quan tâm và mong muốn được góp phần vào việc triển khai hai dự án trọng điểm này", doanh nghiệp nhấn mạnh.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ dài 7,3 km, rộng 6 làn xe, tổng mức đầu tư 11.087 tỷ đồng.

Sở GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tại dự án này, vốn ngân sách TP.HCM tham gia 49,6%, (tương đương 5.246 tỷ đồng), còn lại 50,3% do nhà đầu tư huy động.

Còn Dự án Cầu Thủ Thiêm 4 nối Quận 7 và TP. Thủ Đức dài hơn 2 km với 6 làn xe. Cây cầu này sẽ được xây dựng theo hướng mở với nhịp chính có thể mở ra giúp tàu thuyền dễ dàng qua lại.

Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 là 6.030 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT, trong đó vốn ngân sách sẽ tham gia 2.826 tỷ đồng (tương đương gần 50% tổng mức đầu tư).

Tin cùng chuyên mục