Vinadic được công bố trúng 4 gói thầu tại Hà Nội từ tháng 7/2020 đến nay. Ảnh: Thùy Linh |
Trở lại Gói thầu số 1 nói trên, Gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, Vinadic là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu với giá 139,046 tỷ đồng.
Vào đầu tháng 10/2020, Liên danh Vinadic - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long trúng Gói thầu số 16G Thi công xây dựng kênh La Khê và đường giao thông 2 bên bờ kênh từ K2+188 ÷ K2+732 với giá trúng thầu 157,8 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với giá gói thầu. Đây là gói thầu thuộc Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP. Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa).
Trước đó, tháng 7/2020, cũng với tư cách thành viên liên danh, Vinadic trúng 2 gói thầu gồm: Gói thầu số 07 Toàn bộ phần xây lắp và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Xây dựng trường trung học cơ sở trong khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (giá trúng thầu 99,5 tỷ đồng); Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình (không bao gồm hạng mục cây xanh và điện chiếu sáng) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ trung tâm hành chính huyện Mê Linh đến trung tâm văn hóa thể thao huyện Mê Linh, Hà Nội (giai đoạn 1) (giá trúng thầu là 145,9 tỷ đồng).
Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, Vinadic được công bố trúng 11 gói thầu từ tháng 11/2015 đến nay, chủ yếu tại Hà Nội. Trong đó có một số gói thầu tại huyện Đông Anh như: Gói thầu Xây lắp và thiết bị thuộc Dự án Xây dựng trung tâm mầm non xã Uy Nỗ (giá trúng thầu 19,7 tỷ đồng); Gói thầu Xây dựng đường giao thông, cấp, thoát nước, tổ chức giao thông, cây xanh, chiếu sáng và hoàn trả mương thủy lợi thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường nối từ đường Cao Lỗ đến Nhà tang lễ Đông Anh (giá trúng thầu 44,9 tỷ đồng)…
Vinadic được thành lập vào tháng 11/2001 bởi 3 cổ đông cá nhân là Tô Văn Năm, Tô Thị Đường và Nguyễn Đức Thịnh. Quy mô vốn điều lệ của Vinadic có sự gia tăng đáng kể trong năm 2018, từ 500 tỷ đồng lên 1.130 tỷ đồng. Sang năm 2019, con số này tiếp tục tăng lên thành 1.350 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm là cổ đông lớn nhất sở hữu 98,7% vốn điều lệ.
Bên cạnh Vinadic, ông Tô Văn Năm còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn AMACCAO, một doanh nghiệp đa ngành được thành lập từ năm 1995.
Thời gian đầu mới thành lập, Vinadic chủ yếu tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp, điển hình là những dự án đường giao thông, san lấp hạ tầng, thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng.
Trên website của doanh nghiệp, Vinadic cho biết từng thi công hạ tầng khu ô tô tại Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast (Hải Phòng); xây dựng hệ thống chiếu sáng tại Khu công nghiệp Yên Phong - Samsung (Bắc Ninh); thi công hoàn thiện Nhà máy Nhựa EuroPipe có tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng tại Thái Nguyên và nhiều công trình lớn khác.
Công ty còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với việc triển khai loạt dự án tại Hà Nội, gồm: nhà ở cao tầng có quy mô 10.770 m2, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng tại Khu đô thị phía Bắc, đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; Trung tâm nguyên phụ liệu da giày Hà Nội (quy mô 7.390 m2, vốn đầu tư 620 tỷ đồng); khu văn phòng và nhà ở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (quy mô 9.124 m2, tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng); Khu công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh (quy mô 77 ha, tổng mức đầu tư 1.708 tỷ đồng); chợ gỗ Vân Hà, huyện Đông Anh (4,8 ha, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng) hay chợ Mun, huyện Đông Anh (1.244 ha, vốn đầu tư 120 tỷ đồng)…
Theo thông tin tại báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, Vinadic kê khai giá trị tài sản ròng năm 2019 là 1.256 tỷ đồng, doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 583,533 tỷ đồng.