Nếu so với những quốc gia và khu vực khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu hay Đông Nam Á, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Trung Quốc trong đợt bùng dịch hiện nay thấp hơn nhiều. Dù vậy, nước này vẫn quyết liệt thực thi chiến lược Zero Covid. |
Việc nước này theo đuổi chiến lược “triệt tiêu Covid” (Zero Covid), đồng nghĩa các hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng ngay cả khi chỉ có 1 ca nhiễm được phát hiện.
Nhiều địa phương bị phong toả, các chuyến bay bị huỷ, cảng biển đóng cửa một phần… Tất cả những biện pháp này giúp Trung Quốc hạn chế số ca nhiễm và dịch đã có dấu hiệu xuống thang những ngày gần đây, nhưng đồng thời tăng trưởng kinh tế cũng đối mặt nguy cơ suy giảm.
Đợt dịch mới nhất nổi lên ở Trung Quốc từ cuối tháng 7, do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh tấn công và lan ra hơn một nửa trong số 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị và đặc khu hành chính. Trong đợt dịch này, quốc gia 1,4 tỷ dân ghi nhận nhiều nhất khoảng hơn 140 ca nhiễm mới trong một ngày, và tổng số ca nhiễm tới nay là hơn 1.000 ca. Đến ngày 17-18/8, mỗi ngày Trung Quốc chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm mới có triệu chứng trong cộng đồng.
Nếu so với những quốc gia và khu vực khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu hay Đông Nam Á, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Trung Quốc trong đợt bùng dịch hiện nay thấp hơn nhiều. Dù vậy, nước này vẫn quyết liệt thực thi chiến lược Zero Covid. Nhà chức trách phong toả một loạt thành phố, đóng cửa các khu vui chơi giải trí, huỷ hàng hoạt chuyến bay và triển khai xét nghiệm Covid trên diện rộng. Cảng Ninh Ba-Chu San ở Chiết Giang, cảng container đông đúc thứ ba thế giới, đã đóng cửa một bến tàu trong suốt hơn 1 tuần, sau khi một công nhân cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus Sars-Cov-2.
DỰ BÁO KINH TẾ TRUNG QUỐC BỊ CẮT GIẢM
Những biện pháp mạnh này dẫn tới việc một loạt chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 2,3% trong quý 3 năm nay so với quý 2, giảm mạnh so với dự báo trước là tăng 5,8%. “Khi virus lây lan nhanh đến nhiều tỉnh thành của Trung Quốc và các địa phương phản ứng mạnh để kiểm soát sự lây lan của biến chủng Delta, chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự yếu đi của các dữ liệu kinh tế toàn quốc”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Dù vậy, các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 của kinh tế Trung Quốc sẽ không giảm nhiều, có thể đạt 8,3% so với mức dự báo trước là tăng 8,6%.
Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cũng cảnh báo rằng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm thực thi chiến lược “triệt tiêu Covid” của Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2% trong quý 3 này so với quý 2, giảm hơn một nửa so với mức dự báo tăng 4,3% đưa ra trước đó. Cả năm 2021, JPMorgan Chase dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 8,9%, từ mức tăng 9,1% đưa ra trong lần dự báo trước. “Chúng tôi dự báo tình hình có thể được kiểm soát sau vài tuần, nhưng các biện pháp chống dịch sẽ gây sứt mẻ tiêu dùng và dịch vụ”, báo cáo viết.
Tương tự, Ngân hàng Morgan Stanley cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2021 còn 8,2%, cho rằng đợt dịch này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng doanh thu bán lẻ và hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực dịch vụ.
Những số liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đuối đi trong tháng 7 vừa qua. Doanh thu bán lẻ tháng 7 chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 12,1% ghi nhận trong tháng 6 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 10,9% mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg. Sản lượng công nghiệp tháng 7 tăng 6,4%, sau khi tăng 8,3% trong tháng 6. Đầu tư tài sản cố định tăng 10,3% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2020, thấp hơn so với mức tăng 12,6% của 6 tháng đầu năm. Sau khi những dữ liệu này được công bố, thêm một số ngân hàng nước ngoài nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng ANZ cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2021 xuống còn 8,3%, từ mức 8,8% trước đó. “Biến chủng Delta lây lan nhanh đã dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm mới ở Trung Quốc từ cuối tháng 7. Điều này gây ra rủi ro suy giảm tăng trưởng các hoạt động kinh tế trong quý 3, cho dù số ca nhiễm mới đã giảm xuống trong mấy ngày gần đây”, báo cáo của ANZ nhận định. “Chúng tôi tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách ‘triệt tiêu Covid’ trước khi đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng 2/2022. Tăng trưởng GDP sẽ chỉ là ưu tiên thứ hai”.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Ngân hàng Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quý 3 của Trung Quốc, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng cả năm xuống 8,2% từ mức 8,9%.
THÁCH THỨC KHÔNG CHỈ TỪ BIẾN CHỦNG DELTA
Dù vậy, đa phần chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ không nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, chẳng hạn cắt giảm lãi suất. “Chúng tôi không cho rằng nhà chức trách muốn mạnh tay nới lỏng lập trường chính sách vĩ mô nói chung, vì họ vấn đang tập trung vào kiểm soát vay nợ và các rủi ro tài chính. Bởi vậy, chúng tôi dự báo các quy chế giám sát sẽ tiếp tục thắt chặt, gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách cũng muốn tránh một sự sụt tốc tăng trưởng và sẵn sàng hơn trong việc áp dụng những biện pháp khác để hỗ trợ nền kinh tế”, một báo cáo của Oxford Economics nhận định.
Với quan điểm tương tự, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ING Economics, bà Iris Pang, cho rằng Trung Quốc có thể đẩy mạnh chi tiêu công thông qua các dự án hạ tầng, nhưng “không cần phải cắt giảm lãi suất chính sách vì đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hồi tháng 7 đã kéo lãi suất cho vay trên thị trường giảm xuống”.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó giải phóng lượng thanh khoản 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (154 tỷ USD) trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, PBOC tái khẳng định lập trường không muốn bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế, thông qua việc giữ nguyên lãi suất cho vay của công cụ cho vay trung hạn (MLF).
Phong toả do biến chủng Delta không phải là vấn đề duy nhất của kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện nay. Nước này còn đang đối mặt với lạm phát leo thang, rủi ro nợ nần gia tăng, và mối lo về việc Bắc Kinh siết chặt “gọng kìm” giám sát đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Tháng 7, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - thước đo giá hàng hoá bán cho doanh nghiệp - của Trung Quốc tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng cao nhất 13 năm ghi nhận trong tháng 5. PPI tăng đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn, khiến các công ty phải kiểm soát chi phí bằng cách giảm sản lượng, hoặc thậm chí cắt giảm nhân công.
Về vấn đề nợ, tổng giá trị số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 62,59 tỷ Nhân dân tệ (9,7 tỷ USD), một mức cao kỷ lục - theo Fitch Ratings.
Gần đây, Chính phủ Trung Quốc liên tục tăng cường kiểm soát các công ty tư nhân, trong các lĩnh vực từ công nghệ, tài chính tới giáo dục, khiến giới đầu tư không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu cảm thấy bất an. Theo ước tính của Goldman Sachs, việc siết chặt giám sát này đã khiến giá trị vốn hoá của các công ty đắt giá nhất Trung Quốc sụt giảm tổng cộng khoảng 1.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh như vậy, dữ liệu cho thấy vay nợ ở Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7, một dấu hiệu về việc doanh nghiệp và người dân nước này trở nên ngại ngần hơn với việc đi vay để đầu tư hoặc chi tiêu, có thể dẫn tới sự giảm tốc tăng trưởng. Lượng vốn tín dụng mới mà các ngân hàng Trung Quốc cấp trong tháng 7 là 1,08 nghìn tỷ Nhân dân tệ (167 tỷ USD), giảm gần 50% so với tháng 6.