Khủng hoảng dư thừa thép tại Trung Quốc. Ảnh Internet |
Ngày 1/1/2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo, Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu tôn, thép qua các nước ASEAN còn lại, và ở chiều ngược lại tôn, thép nhập khẩu vào Việt Nam là ít có khả năng xảy ra.
Theo phân tích của ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, năng lực sản xuất thép ở hầu hết các nước ASEAN là cung không đủ cầu, không có sản phẩm dôi dư để xuất khẩu sang Việt Nam, nên vấn đề bị mất thị phần nội địa của sản phẩm ngành thép trong AEC hiện chưa được đặt ra.
Song, vấn đề đặt ra đối với thép Việt Nam là sản phẩm từ Trung Quốc. Họ đang ở tình trạng “khủng hoảng dư thừa thép”. Các DN thép Trung Quốc lúc này phải đối diện với sức ép phải xuất khẩu bằng mọi giá và mọi cách sang các nước xung quanh (trong đó có Việt Nam).
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2015, 101 công ty thép lớn nhất Trung Quốc đã lỗ tổng cộng 72 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 11 tỷ USD). Mức thua lỗ này lớn hơn gấp đôi lợi nhuận mà các công ty này đã đạt được trong năm ngoái. Cùng với việc bán phá giá, chấp nhận lỗ, Trung Quốc còn thúc đẩy xuất khẩu với hàng loạt các chính sách: hoàn thuế VAT cho xuất khẩu thép, nhất là đối với thép “hợp kim” chứa Bo, Crom...
Theo các chuyên gia, hàng rào kỹ thuật để ngăn cản nhập khẩu, bảo vệ sản phẩm trong nước là biện pháp được khuyến khích áp dụng và nhiều quốc gia đã sử dụng rất thành công công cụ này. Việt Nam cũng cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành thép trong nước.