Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn một "ông lớn" địa ốc khác phá sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo CNN, các ngân hàng Trung Quốc được cho là đang cố gắng cứu trợ một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước, sau khi xếp hạng tín dụng của công ty này bị Moody’s hạ xuống mức "rủi ro cao" vào hôm đầu tuần.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bắc Kinh đang nỗ lực khôi phục niềm tin vào ngành bất động sản đang èo uột của đất nước và dường như đang nỗ lực hết sức để ngăn China Vanke đi theo con đường của Evergrande và Country Garden - hai doanh nghiệp đã vỡ nợ và có nguy cơ bị thanh lý.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 12/3 đưa tin, 12 ngân hàng lớn - bao gồm 6 ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước - đang tiến hành đàm phán để cung cấp khoản vay hợp tác trị giá tới 80 tỷ Nhân dân tệ (11,2 tỷ USD) cho China Vanke để giúp công ty này đối phó với các khoản thanh toán sắp đến hạn.

Việc cung cấp khoản vay vẫn chưa chắc chắn, hãng truyền thông nhà nước Cailianshe đưa tin, trích dẫn một nguồn tin giấu tên thân cận với thỏa thuận tiềm năng. Một cơ quan truyền thông nhà nước khác, Economic Observer, đưa tin rằng một số công ty bảo hiểm đã cử đội ngũ đến trụ sở chính của China Vanke để thực hiện đàm phán nợ mới, trong nỗ lực để tránh một vụ vỡ nợ.

Được thành lập cách đây 40 năm, China Vanke là công ty phát triển bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc - xét về doanh số vào năm ngoái, nhưng công ty này đã bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu căn hộ và giá nhà sụt giảm.

Hôm 12/3, Moody's đã giảm xếp hạng của China Vanke xuống Ba1 - mức rủi ro cao. Điều này đồng nghĩa với việc China Vanke cần phải đưa ra mức lãi suất cao hơn cho trái phiếu của mình để bù đắp cho rủi ro vỡ nợ thanh toán lớn hơn mà các nhà đầu tư trái phiếu đang gặp phải.

"Việc giảm xếp hạng phản ánh kỳ vọng của Moody's rằng các chỉ số tín dụng, khả năng linh hoạt tài chính và nguồn dự trữ thanh khoản của China Vanke sẽ suy yếu trong 12 - 18 tháng tới do doanh số bán hàng đã ký suy giảm và sự không chắc chắn ngày càng tăng về khả năng tiếp cận vốn trong bối cảnh suy thoái thị trường bất động sản kéo dài tại Trung Quốc", Kaven Tsang, Phó Chủ tịch cấp cao của Moody's cho biết trong một thông cáo báo chí.

Các cơ quan xếp hạng quốc tế khác như S&P và Fitch vẫn giữ xếp hạng của China Vanke ở mức đầu tư.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Được thành lập vào năm 1984 tại Thâm Quyến, China Vanke là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Người sáng lập Wang Shi được coi là “Bố già” của ngành và được Tạp chí Time ví như Donald Trump. China Vanke là công ty bất động sản đầu tiên được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vào năm 1991, khi thị trường này vẫn còn mới mẻ.

Vào năm 2017, để chống lại việc bị thâu tóm bởi đối thủ cạnh tranh, China Vanke đã để chính quyền Thâm Quyến tham gia với tư cách là cổ đông hàng đầu. Theo Refinitiv Eikon, 33,4% cổ phần của China Vanke hiện thuộc sở hữu của tập đoàn nhà nước Shenzhen Metro, do thành phố này kiểm soát.

Trước khi cuộc khủng hoảng tiền mặt được công bố vào cuối năm ngoái, China Vanke là một trong số ít các nhà phát triển được các cơ quan xếp hạng quốc tế đánh giá là vững chắc về mặt tài chính.

Động thái của Moody's phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng rằng các điều kiện thị trường độc hại - bao gồm nhu cầu yếu và môi trường tài chính khó khăn - trong ngành bất động sản của Trung Quốc đang kéo giảm ngay cả những công ty tương đối khỏe mạnh với sự hỗ trợ vững chắc của nhà nước.

Doanh số bán hàng đã ký của China Vanke giảm 10% vào năm 2023, xuống còn 376,12 tỷ Nhân dân tệ (52,4 tỷ USD). Tháng 1/2024, doanh số bán hàng của Hãng đã giảm 32%.

Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu China Vanke trong vài tháng qua. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Hãng đ mất gần 30% kể từ tháng 11/2023. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu này giảm 9%.

Bắc Kinh đã nỗ lực khắc phục cuộc khủng hoảng bất động sản kể từ năm 2021, khi Evergrande - nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới - vỡ nợ quốc tế. Cuộc khủng hoảng sau đó lan rộng, với hàng chục nhà phát triển lớn cũng không trả được nợ cho các chủ nợ. Hậu quả của cuộc khủng hoảng - làm suy yếu lòng tin của người mua nhà, doanh nghiệp và nhà đầu tư - đã đe dọa đến nền kinh tế Trung Quốc.

Các biện pháp kích thích được chính phủ Trung Quốc đưa ra cho đến nay vẫn chưa thể vực dậy ngành này. Năm 2023, doanh số bán bất động sản giảm 6,5% so với năm 2022; đầu tư bất động sản giảm 9,6% - năm sụt giảm thứ hai liên tiếp.

Tuần trước, Bộ trưởng Nhà đất Trung Quốc Ni Hong cho biết, các cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ nhu cầu tài chính "hợp lý" của các nhà phát triển bất động sản. Ông nhắc lại cơ chế "danh sách trắng" được thành lập gần đây để bơm thanh khoản vào khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Hơn 6.000 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc đã được các ngân hàng cho vay phát triển.

Tuy nhiên, ông Ni Hong cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ không cứu trợ các nhà phát triển đang gặp rắc rối "nghiêm trọng". "Đối với các công ty bất động sản mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và mất khả năng hoạt động, chúng ta nên để họ phá sản hoặc tái cơ cấu", ông Ni Hong nhận xét.

Tin cùng chuyên mục