Trung Quốc phản ứng việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá nhôm lá

Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng nhôm lá nhập khẩu từ nước này, cho biết Bắc Kinh rất "không hài lòng" với các biện pháp trên.
Sản phẩm nhôm lá Trung Quốc. (Nguồn: Shanghai Daily)
Sản phẩm nhôm lá Trung Quốc. (Nguồn: Shanghai Daily)

Bắc Kinh đưa ra lời chỉ trích trên chỉ ít ngày trước chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có chặng dừng chân tại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố  phát đi sau khi Mỹ thông báo áp thuế ngày 27/10, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Mỹ đang bỏ qua các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi áp mức thuế này cũng như không hoàn thành trách nhiệm quốc tế.

Theo giới chức Bắc Kinh, quyết định này của Mỹ không chỉ gây phương hại tới lợi ích của các công ty Trung Quốc mà còn đang phá vỡ tính nghiêm túc và hiệu lực của các quy định và chế tài đa phương.

Trước đó, ngày 27/10, Bộ Thương mại Mỹ đã áp mức thuế sơ bộ từ 96,81% đến 162,2% đối với mặt hàng nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi kết quả sơ bộ của một cuộc điều tra chống bán phá giá cho thấy các công ty Trung Quốc đang xuất khẩu nhôm lá vào Mỹ với mức giá thấp hơn thị trường.

Mức thuế này sẽ được áp đặt đối với các sản phẩm nhôm lá sử dụng trong nhà bếp, chế tạo ôtô và đóng gói. Trước đó, hồi tháng 8, bộ trên đã áp mức thuế chống trợ giá từ 16,6% đến 81% đối với sản phẩm này của Trung Quốc.

Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ đạt tổng giá trị ước tính 389 triệu USD trong năm 2016. Các nhà sản xuất nội địa nhiều lần yêu cầu chính phủ áp thuế đối với mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với lập luận rằng việc chính phủ các nước trợ giá cho các sản phẩm xuất khẩu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư cung toàn cầu.

Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã tăng thị phần trên thị trường nhôm thế giới từ mức dưới 11% lên đến gần 53%. 

Trong khi đó, các nhà máy nhôm tại Mỹ lại điêu đứng với sản lượng giảm tới 77% cùng kỳ do giá nhôm lao dốc trước nhôm Trung Quốc. Thị phần nhôm của Mỹ trên thị trường toàn cầu cũng giảm từ mức 16% trong năm 2000 còn dưới 2% trong năm 2016. 

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên đắc cử Donald Trump từng cam kết sẽ siết chặt các chính sách thương mại với Trung Quốc nhằm lấy lại việc làm về cho thị trường lao động trong nước.

Từ khi nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, chính quyền của ông Trump đã tiến hành 77 cuộc điều tra về chống bán phá giá và trợ giá trong hoạt động xuất khẩu của các nước đối tác, tăng 61% so với năm ngoái.

Dự kiến, thương mại sẽ là chủ đề thảo luận chính trong chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du Bắc Kinh sắp tới./.

Tin cùng chuyên mục