Ảnh: VGP |
Cùng tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Lãnh đạo TP. Hà Nội và BHXHVN đều cho biết thời gian qua chính sách tiền lương được điều chỉnh tương đối phù hợp với nhu cầu của người lao động và sự phát triển của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chính sách lương vẫn còn nhiều bất cập trong hệ thống thang, bảng và ngạch, bậc lương không khuyến khích được đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, thậm chí gây ra bất công bằng trong chi trả lương. Đi liền với đó là sự tồn tại của nhiều loại phụ cấp tính theo lương ở nhiều ngành nghề, nhiều loại đối tượng với nhiều mức khác nhau...
Do đó, các cơ quan đều nhận định cải cách chính sách tiền lương sẽ là giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực lao động cho đội ngũ công chức, viên chức, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng nhận định muốn thực hiện thành công chính sách lương thì phải thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Về chính sách BHXH, các ý kiến đều cho rằng các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp ngày càng nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của BHXH đối với an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chính sách BHXH chưa theo đúng nguyên tắc đóng- hưởng mà còn mang tính bao cấp, quyền lợi được hưởng cao hơn mức đóng góp,... nên ảnh hưởng tới cân đối quỹ BHXH.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ đánh giá UBND TP. Hà Nội và BHXHVN là các địa phương, cơ quan thực hiện tốt các chính sách liên quan tới tiền lương và BHXH.
Đồng tình với nhận định muốn cải cách lương thì phải thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy và đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: “Hai năm qua, Hà Nội mới chỉ thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp, đầu mối cơ quan, chưa giảm được biên chế nào nhưng chi thường xuyên đã giảm 4,5%. Đây là những kết quả đáng quý, tạo cảm hứng để các địa phương, cơ quan khác thực hiện”.
Trong khi đó, BHXHVN là cơ quan đầu tiên của Nhà nước hoàn thành xác định vị trí việc làm để sắp xếp lại bộ máy, tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn chính sách tiền lương với người lao động.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nêu ra nhiều vấn đề trong thiết kế chính sách lương, BHXH cần các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, góp ý kỹ hơn, trong đó có việc xác định vị trí việc làm trong các ngành, cơ quan, đơn vị; xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, khung vị trí việc làm ở từng khu vực; tiếp tục rà soát, đánh giá các loại phụ cấp bảo đảm công bằng cho người lao động trong cùng một ngành hay tương quan giữa các ngành nghề.
Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình quỹ BHXH qua mỗi giai đoạn khác nhau, tham khảo kinh nghiệm đầu tư và phát triển quỹ BHXH của các nước khác trên thế giới, đánh giá rõ chính sách lương của cán bộ công chức, viên chức tại các quỹ tài chính tập trung ở trong nước như Quỹ BHXHVN...