Năm 2022, GRDP của tỉnh Quảng Nam tăng 11,2% so với năm 2021 |
Quảng Nam tận dụng thời gian “vàng” sau đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tăng trưởng
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Năm 2022, Quảng Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây cũng là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh vượt 32.000 tỷ đồng.
Đạt được những kết quả ngoài mong đợi đó là nhờ khát vọng của cả hệ thống chính trị, ý chí đồng lòng, sẻ chia của người dân, doanh nghiệp. Tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và cá nhân tôi luôn suy nghĩ sẽ làm gì để đưa Quảng Nam phát triển và phải phát triển ấn tượng. Phải đi lên bằng sự khác biệt, hiểu theo nghĩa tích cực.
Đó là tận dụng thời gian “vàng” sau đại dịch Covid-19, Quảng Nam triển khai Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, giúp doanh thu toàn ngành năm 2022 tăng 8 lần so với năm 2021; triển khai chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp như giảm thuế trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước, tạo động lực cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc nới lỏng và mở cửa sau quãng thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch đã giúp thị trường xuất khẩu như lò xo bị nén bật tăng trở lại, nhất là với ngành hàng may mặc và da giày… Năm 2022, tuy gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có lúc chậm nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định (giải ngân 5.767,6 tỷ đồng, đạt 91,9% kế hoạch vốn giao từ đầu năm và 70,3% kế hoạch vốn sau khi bổ sung).
Khao khát là vô cùng, nhưng đưa những khao khát ấy vào chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế thì phải đo lường được bằng những chỉ tiêu, con số. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Nam đạt 69.110 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021 và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh giao đầu năm (7,5 - 8%). Quy mô nền kinh tế đạt hơn 116.374 tỷ đồng, tăng 1,18 lần so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Quảng Nam là tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 3/5 tỉnh, thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu kinh tế cũng cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt khi khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 35%, trong đó công nghiệp chiếm 28,9%; thương mại - dịch vụ chiếm 31,7%; nông nghiệp chiếm 13,4%...
Thành quả đạt được là đáng tự hào, nhưng để giữ vững và phát triển cao hơn đòi hỏi tỉnh Quảng Nam phải nỗ lực hơn nữa trong năm 2023. Những nhiệm vụ, giải pháp cho năm mới đã được định hình và bắt đầu triển khai, dự cảm cho một năm mới thắng lợi. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, gồm: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và chương trình chuyển đổi số, chính quyền số; phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu.
Sóc Trăng nâng chất lượng tăng trưởng, kỳ vọng bứt phá từ hạ tầng
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Năm qua, trong bối cảnh nhiều thách thức, Sóc Trăng nỗ lực đạt nhiều kết quả khả quan, có 11 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt, 2 chỉ tiêu đạt cơ bản so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tốc độ tăng GRDP đạt 7,71%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,86 triệu đồng/năm, vượt 2,54% so với chỉ tiêu. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao, thủy sản vượt chỉ tiêu. Thương mại, dịch vụ giữ đà tăng trưởng, du lịch phục hồi mạnh mẽ với hơn 2,14 triệu lượt khách, tăng 165% so với năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,61% so với năm 2021, trong đó mặt hàng mũi nhọn thủy sản đạt 1,05 tỷ USD.
Điểm sáng nữa là huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Tổng mức đầu tư toàn xã hội của Tỉnh năm qua khoảng 22.389 tỷ đồng, tăng 1,18 lần so với năm 2021. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 30,13%, vốn ngoài nhà nước 64,12%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5,75%. Hiện Sóc Trăng có 21 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 20.472 tỷ đồng.
Về đầu tư công, Sóc Trăng đã giải ngân được trên 60% trong tổng số 4.500 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022, ước giải ngân đến hết 31/1/2023 đạt trên 95%. Các dự án trọng điểm được triển khai đúng tiến độ như: Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái để thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế người dân khu vực Cù Lao Dung; Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Sóc Trăng; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Ưu tiên điều hành của Sóc Trăng năm 2023 là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Mục tiêu cơ bản năm 2023 là tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước đạt 4.420 tỷ đồng.
Sóc Trăng đề ra 3 ưu tiên hàng đầu trong năm 2023. Một là, tập trung chuẩn bị tốt nhất để triển khai Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phấn đấu đủ điều kiện khởi công theo kế hoạch. Hai là, trong quy hoạch, định hình khung kiến trúc phát triển có tính bền vững, tầm nhìn xa và quản trị phát triển đúng định hướng. Triển khai Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch liên quan đến Cảng nước sâu Trần Đề, quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu kinh tế, đô thị; tích cực hoàn thành Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050… Ba là, ưu tiên điều hành công tác chuyển đổi số, từng bước ứng dụng, phát triển mạnh công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, lĩnh vực mới trên địa bàn Tỉnh.
Sóc Trăng xác định cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là “cú hích” quan trọng, là hành lang kết nối Cảng nước sâu Trần Đề. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực logistics, công nghiệp hướng đến xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông sản, hình thành các khu đô thị dọc theo 2 bên đường. Để khai thác lợi thế từ cao tốc, cảng nước sâu, trong Quy hoạch Tỉnh, Sóc Trăng xây dựng mục tiêu trọng tâm như: phát triển 5 KCN đã được Thủ tướng phê duyệt, mở rộng 2 KCN và bổ sung mới 4 KCN; thu hút đầu tư 18 CCN; thu hút đầu tư 1 chợ đầu mối tại TP. Sóc Trăng, 2 trung tâm thương mại tại các thị xã Vĩnh Châu và Ngã Năm… Đặc biệt, thu hút đầu tư 2 trung tâm thương mại quy mô lớn tại thị trấn Trần Đề gắn với dịch vụ cảng nước sâu quốc tế.
Năm mới, với đà tăng trưởng kinh tế đạt được và nhiều chuyển biến về hạ tầng giao thông trọng điểm, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ bứt phá, nâng quy mô nền kinh tế và cải thiện rõ nét đời sống nhân dân.
Bắc Kạn tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông kết nối
Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn
Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cũng như nỗ lực phấn đấu, GRDP của tỉnh Bắc Kạn liên tục tăng trưởng khá trong các năm qua. GRDP năm 2022 ước tăng trưởng 6,07%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 1.428,3 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2021 (công nghiệp tăng 8,6%, xây dựng tăng 7,5%). Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 461.000 lượt, tăng 423% so với năm 2021; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 321 tỷ đồng, tăng 421% so với năm trước đó.
Riêng trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, bằng số dự án 5 năm trước đó cộng lại. Hiện nay, có trên 30 nhà đầu tư, doanh nghiệp đang quan tâm tài trợ quy hoạch, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn Tỉnh. Nhiều đơn vị đã bắt đầu các bước triển khai thực hiện dự án như: Công ty CP Thiên Long Bắc Kạn; Công ty CP Tập đoàn Trường Thành đầu tư về điện gió tại các huyện Chợ Mới, Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn; Công ty CP Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH Bắc Kạn trúng đấu giá trụ sở Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cũ) và Đoàn Nghệ thuật dân tộc Tỉnh (cũ) để xây tổ hợp khách sạn cao cấp; Tập đoàn Him Lam nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN tại huyện Chợ Mới; Tập đoàn Vingroup đề xuất nghiên cứu dự án tại xã Nông Thượng với diện tích gần 500 ha; Tập đoàn Sun Group đang triển khai nghiên cứu du lịch tại hồ Ba Bể…
Để tăng cường thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối như tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; tuyến đường Chợ Mới - TP. Bắc Kạn; tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể, tuyến đường vào hồ Nặm Cắt; các tuyến đường giao thông liên kết các trung tâm kinh tế, liên tỉnh... với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiếp tục hợp tác, gắn bó, chung tay xây dựng Bắc Kạn ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp. Năm 2023, Bắc Kạn phấn đấu GRDP tăng trưởng 7%, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 9,8% (công nghiệp tăng 13%, xây dựng tăng 8%), dịch vụ tăng 8%.
An Giang duy trì tăng trưởng nhanh trên nền tảng 3 trụ cột
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Năm 2022, An Giang có nhiều khởi sắc so với năm trước, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,87%, vượt kế hoạch và chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế khoảng 102.720 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,907 triệu đồng/năm. Trên bình diện chung, An Giang đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng vượt trên mức kỳ vọng như tổng vốn đầu tư toàn xã hội (33.378 tỷ đồng), kim ngạch xuất khẩu (1,155 tỷ USD)...
Thời gian tới, An Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực; tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho nhà đầu tư. An Giang sẽ chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của Tỉnh.
Năm 2023, Tỉnh định hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7 - 7,5% trên nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, phát triển toàn diện theo 3 trụ cột. Một là, nông nghiệp làm bệ đỡ nền kinh tế. Đây là ngành thế mạnh của An Giang, đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao, sản xuất lớn với sản phẩm chất lượng cao, hàm lượng giá trị lớn, sức cạnh tranh mạnh trong chuỗi giá trị hàng xuất khẩu. Hai là, du lịch làm mũi nhọn, phát triển trên nền tảng lợi thế đặc thù như du lịch trải nghiệm sông nước theo dòng; tâm linh huyền thoại, lễ hội văn hóa dân gian; cảnh quan rừng tràm, sinh thái... Năm 2022, ngành du lịch An Giang có khởi sắc mạnh mẽ, đón hơn 7,3 triệu lượt khách, tăng 122% so với năm 2021, cán mốc doanh thu hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 114%. Ba là, công nghiệp làm đột phá, đặc biệt là phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được tỉnh An Giang và các địa phương gấp rút triển khai đầu tư. Dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của An Giang bởi Tỉnh nằm sâu trong nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi tuyến cao tốc này hình thành sẽ giúp luân chuyển thuận lợi hàng hóa, nông, thủy sản xuất khẩu vùng Tây Nam Bộ, tăng kết nối giao thương với các cửa khẩu trọng điểm quốc gia trên địa bàn An Giang với Campuchia. Khi hạ tầng được cải thiện, phá vỡ thế chia cắt, An Giang sẽ khai phóng tốt các dư địa, tiềm năng để phát triển đột phá.
Trong quy hoạch Tỉnh tới năm 2030, tầm nhìn 2050, An Giang quy hoạch các KCN, CCN và đô thị bám sát trục cao tốc nhằm khai thác tối đa lợi thế hạ tầng giao thông, tạo đột phá mới về phát triển kinh tế. Các KCN được hoạch định tập trung cho thế mạnh công nghiệp chế biến nông sản để khai thác hết giá trị gia tăng của ngành này. Tỉnh đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện và hỗ trợ kịp thời các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33.378 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2021. Hiện Tỉnh có 7.202 doanh nghiệp và 4.099 đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký 80.429 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và triển vọng kinh tế tươi sáng trong những năm tới.