Tư duy mới, giải pháp mới thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì cuộc họp với Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về một số nội dung trọng tâm của Đề án.
Thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Ảnh: Nhã Chi
Thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Ảnh: Nhã Chi

Tại Cuộc họp, đại diện Ban Kinh tế Trung ương báo cáo về nội dung trọng tâm của Đề án. Theo đó, các nội dung chính của Đề án gồm: đánh giá về kết quả thực hiện CNH, HĐH; về nội hàm, bản chất của CNH; đề xuất khái quát về mô hình CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất khung tiêu chí đánh giá kết quả quá trình CNH, HĐH; đề xuất quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp về CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng và hoàn thiện Đề án có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề khó, vấn đề lớn, phức tạp, phạm vi rộng, tư liệu, tài liệu, dữ liệu chưa nhiều, đòi hỏi nghiên cứu và xây dựng công phu, đánh giá đúng, trúng tình hình, chỉ rõ nguyên nhân trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, trung thực, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả thi, hiệu quả, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.