Được biết, vị doanh nhân này hiện là cổ đông và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco) - doanh nghiệp từng có mối quan hệ làm ăn với VN Pharma.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
Sự xuất hiện của ông Ngô Nhật Phương tại Pharbaco
Công ty CP Dược phẩm Trung ương I tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm I thành lập năm 1954, trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp dược Việt Nam (nay là Tổng công ty Dược Việt Nam). Cuối tháng 1/2007, Công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Tính đến thời điểm cuối năm 2015, Công ty có quy mô vốn điều lệ ở mức 73,5 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước - Tổng công ty Dược Việt Nam nắm giữ 77,55% vốn điều lệ. Vị trí Tổng giám đốc do người đại diện phần vốn nhà nước là ông Đinh Xuân Hấn nắm giữ.
Ông Ngô Nhật Phương bắt đầu xuất hiện tại Pharbaco vào năm 2016 sau khi công ty này phát hành thành công 10,65 triệu cổ phần phổ thông cho cổ đông chiến lược Công ty CP Appollo - doanh nghiệp do ông Ngô Nhật Phương sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu tại Pharbaco của Tổng công ty Dược Việt Nam giảm xuống chỉ còn 32%, Appollo trở thành cổ đông lớn sở hữu cổ phần chi phối tại Pharbaco với tỷ lệ nắm giữ 59%.
Sau một đợt tăng vốn điều lệ khác, tính đến 30/6/2019, Appollo đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 26,62% tại Pharbaco. Chủ tịch Appollo Ngô Nhật Phương cũng đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Pharbaco. Các cổ đông lớn khác của Pharbaco còn có Công ty CP Sài Gòn Pharma (35,3%), Công ty TNHH Reliv Pharma (7,2%) và Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường (12,5%).
Kinh doanh suy giảm theo biến cố của VN Pharma?
Tại phiên xử vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma sáng 30/9, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) đề nghị tòa xem xét, kiến nghị điều tra liên quan đến việc ông Ngô Nhật Phương, người được xác định có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, có các tài liệu mật.
Theo Viện KSND, ông Phương có trình bày tại tòa ông đã cử người giúp Hiệp hội Dược Ấn Độ nộp tài liệu đến cơ quan điều tra, chứng minh thuốc H-Capita là thuốc được sản xuất ở Ấn Độ và đạt tiêu chuẩn. Viện KSND cho rằng, các tài liệu này phải do cơ quan điều tra thu thập nhưng ông Phương lại có. Cơ quan công tố nhận định việc này có dấu hiệu của tội làm lộ bí mật Nhà nước vì để cá nhân không có thẩm quyền có thông tin mật của Bộ Y tế.
Dù không nêu rõ tên đối tác phân phối các sản phẩm đặc biệt, nhưng báo cáo tài chính của Pharbaco thể hiện VN Pharma là một trong những đối tác lớn của Công ty. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2015 của Pharbaco, tại thời điểm 1/1/2015, khoản mục “phải trả người bán” với VN Pharma ghi nhận giá trị 30,5 tỷ đồng. Và cùng với những biến cố của VN Pharma vào khoảng tháng 8/2014, giá trị giao dịch giữa 2 công ty cũng suy giảm rõ rệt.
Kể từ năm 2016, doanh thu của Pharbaco bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, Pharbaco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu đạt 484,1 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 0,4 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Pharbaco đã chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Đồng thời, Công ty cũng đã thông qua kế hoạch huy động 500 tỷ đồng để đầu tư nhà máy sản xuất thuốc.