“Tuột tay” nhiều gói thầu, VNECO kinh doanh kém sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) giảm 1.016 tỷ đồng (tương ứng 61,1%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 647,2 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp điện giảm 734,1 tỷ đồng (74,75%), chỉ đạt 248 tỷ đồng. Tham dự 22 gói thầu trong lĩnh vực xây lắp điện với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, nhưng VNECO bị loại tại nhiều gói do không đáp ứng năng lực và kinh nghiệm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, VNECO tham dự 22 gói thầu xây lắp điện nhưng chỉ được công bố trúng 2 gói. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Từ đầu năm 2023 đến nay, VNECO tham dự 22 gói thầu xây lắp điện nhưng chỉ được công bố trúng 2 gói. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Kinh doanh kém sắc

Với doanh thu giảm mạnh, sau khi trừ chi phí, VNECO chỉ lãi trước thuế 1,66 tỷ đồng 9 tháng năm 2023.

VNECO cho biết, doanh thu sụt giảm do một số công trình vướng thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc thanh toán cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị… Vì vậy, không đẩy nhanh được tiến độ thi công công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư.

Kết quả kinh doanh kém khả quan cũng thể hiện trong hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp này. Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2023 đến nay, VNECO tham dự 22 gói thầu xây lắp điện với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà thầu này được lựa chọn thực hiện 2 gói thầu, gồm: Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01 Thi công xây dựng công trình đường dây 110 kV trạm biến áp 110 kV Đồng Hới - Lệ Thủy thuộc Dự án Nâng cao khả năng mang tải đường dây 110 kV trạm biến áp 110 kV Đồng Hới - Lệ Thủy (88,385 tỷ đồng); Gói thầu số 07 Xây lắp đường dây 110 kV từ trạm biến áp Thủy điện Thác Bà - trạm 110 kV Đoan Hùng thuộc Dự án Nâng cao năng lực truyền tải đường dây 110kV Thác Bà - trạm 220kV Phú Thọ (45 tỷ đồng).

Trong khi đó, VNECO bị loại tại nhiều gói thầu do hồ sơ dự thầu không hợp lệ hay không đạt đánh giá năng lực, kinh nghiệm.

Đơn cử, tại Gói thầu số 14 Xây lắp trạm (bao gồm cả thử nghiệm hiệu chỉnh nhất thứ, phòng cháy chữa cháy) thuộc Dự án Trạm biến áp 220 kV Lấp Vò và đường dây đấu nối Thốt Nốt - Lấp Vò có giá 80,615 tỷ đồng, VNECO bị loại tại bước đánh giá tính hợp lệ. Cũng tại dự án này, VNECO bị loại tại Gói thầu số 15 Xây lắp đường dây đấu nối khoảng vượt sông Hậu (từ G3 đến G5, bao gồm cả G3 và G5) giá 83,459 tỷ đồng và Gói thầu số 16 Xây lắp đường dây đấu nối đoạn còn lại (từ ĐĐ đến G3 và từ G5 đến ĐC, không bao gồm G3 và G5) giá 72,178 tỷ đồng do không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt.

Ngoài ra, VNECO không được lựa chọn tại Gói thầu số 12 Xây lắp trạm (Dự án Trạm biến áp 220 kV Gò Công và đường dây đấu nối Gò Công - Cần Đước) có giá 107,578 tỷ đồng; Gói thầu số 12 Xây lắp trạm (bao gồm cả thử nghiệm hiệu chỉnh và phòng cháy chữa cháy) và đường dây đấu nối (Dự án Trạm biến áp 220 kV Châu Thành và đấu nối) giá 128,078 tỷ đồng; Gói thầu số 14 Xây lắp đường dây đấu nối (Dự án Trạm biến áp 220 kV Gia Lộc và đường dây đấu nối) giá 53,13 tỷ đồng; Gói thầu số 12 Xây lắp trạm và đường dây đấu nối (Dự án Trạm biến áp 220 kV Vũ Thư và đường dây đấu nối) giá 145,263 tỷ đồng; Gói thầu số 07 Xây lắp đường dây 110 kV và trạm biến áp 110 kV (Dự án Đường dây và trạm biến áp 110 kV Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) giá 64,25 tỷ đồng…

VNECO đang tham dự Gói thầu số 13 Xây lắp đường dây 220 kV từ ĐĐ - G8 (bao gồm VT22/G8) thuộc Dự án Trạm biến áp 220 kV Hải Hậu và đường dây đấu nối quy mô 68,42 tỷ đồng, Gói thầu số 13 Xây lắp trạm biến áp (bao gồm thực hiện các công việc về thông tin liên lạc và SCADA) thuộc Dự án Trạm biến áp 220 kV Gia Lộc và đường dây đấu nối (giá gói thầu 117,801 tỷ đồng). Cả 2 gói thầu này đều ghi nhận cạnh tranh cao khi mỗi gói có ít nhất 6 nhà thầu tham dự.

Áp lực nợ vay

Ngoài kết quả kinh doanh đi xuống, một trong những rủi ro của VNECO là áp lực nợ vay. Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của VNECO đạt 3.599 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 71,2%, tương ứng 2.564 tỷ đồng, gấp 2,47 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn ở mức 1.803,5 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (tăng 7,2%). Trong đó, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hải Vân đang là đơn vị tài trợ tín dụng lớn nhất cho VNECO với 556,8 tỷ đồng, tiếp sau là Ngân hàng MB - Chi nhánh Hoàn Kiếm với 151,1 tỷ đồng và nhiều tổ chức tín dụng khác.

Nợ vay lớn gây áp lực cho VNECO khi chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2023 lên tới 96,5 tỷ đồng, gần bằng mức của cả năm 2022 là 101,8 tỷ đồng và cao hơn nhiều mức 37,1 tỷ đồng của năm 2021.

Liên quan đến áp lực nợ vay, lãnh đạo VNECO từng chia sẻ, Công ty đang cấu trúc hoặc khai thác các tài sản để không, đàm phán tiến tới hợp tác toàn diện với các đối tác nước ngoài để tìm nguồn vốn rẻ, nghiên cứu và phát triển thêm dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện. Bên cạnh đó, Công ty đang nghiên cứu phát hành cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, cổ phiếu VNE của VNECO rơi về vùng giá thấp (5.700 đồng/cổ phiếu) khiến phương án gọi vốn bằng phát hành cổ phiếu mới không có tính khả thi.

Tin cùng chuyên mục