Tuyên ngôn độc lập mãi mãi là ngọn đuốc soi đường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập” và ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước cuộc mít tinh của hàng vạn người đủ các tầng lớp ở cả trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay

Trong đó khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trước toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ phản ánh ý chí khát vọng tự do, độc lập của dân tộc ta trong suốt mấy nghìn năm lịch sử mà còn là cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

76 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện.

Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực. Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam hiện nay ước đạt hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore, Malaysia, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á…

Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vượt thời đại, khi những tư tưởng, quan điểm của Người trong bản Tuyên ngôn ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hoà bình, tự do với tinh thần kiên quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Tuyên ngôn Độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, từ đó, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ đất nước.

Hiện nay, tình hình thế giới đang có chuyển biến sâu sắc. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển để phù hợp với tình hình mới. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, xung đột sắc tộc, tôn giáo... vẫn diễn ra ở nhiều khu vực. Các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh mạng... trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa chủ quyền quốc gia - dân tộc. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh đó, quán triệt tinh thần độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ hiện nay không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc mà còn gắn liền với việc bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển nhanh và bền vững...

Thực tế là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, độc lập dân tộc không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập, Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh...”.

Trong trận chiến chống dịch Covid-19 hiện nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong lời kêu gọi ngày 29/7/2021 gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Sức dân - một yếu tố quan trọng làm nên lịch sử lừng lẫy của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, bây giờ lại được khơi dậy trong cuộc chiến chống đại dịch. Huy động sức dân trở thành chiến lược quan trọng để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức. Việc người dân tham gia đóng góp cho Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ là thêm nguồn lực tài chính để mua vắc xin nhằm hướng tới miễn dịch cộng đồng, mà còn là góp thêm niềm tin, sức mạnh ý chí để cả nước có thể chiến thắng dịch bệnh. Việc nước ta sắp có vắc xin phòng Covid-19 tự sản xuất cũng thêm một minh chứng về ý thức tự lực, tự cường của người Việt Nam.

Quả là, cứ mỗi lần hoạn nạn, người dân Việt Nam lại chung tay tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng thách thức, kẻ thù. Những thành công và hạn chế trong cuộc chiến chống Covid-19 từ năm 2020 đến nay ở nước ta một lần nữa cho thấy nguồn nội lực ấy mạnh mẽ như thế nào.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập thật sự vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Tin cùng chuyên mục