Tuyệt kỹ võ sáo, công phu võ học

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên dòng sông Thương (Bắc Giang) chiều cuối đông, những thanh âm quyến rũ của tiếng thiết tiêu trầm bổng, sâu lắng làm lay động sâu thẳm lòng người. Tiếng tiêu da diết theo gió vang xa hàng cây số, thể hiện nội lực của người thổi sáo rất thâm hậu. Người có thể chơi hàng trăm bản nhạc bằng những cây sáo sắt nặng đến chục kilogam là võ sư Trịnh Như Quân, tuổi nay đã ngoài 70.
Võ sư Trịnh Như Quân

Võ sư Trịnh Như Quân

Thiết địch thần tiêu

Võ sư Trịnh Như Quân là con trai võ sư Trịnh Thượng Hiền. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi võ thuật của gia đình tại Bắc Giang, từ nhỏ ông đã đam mê võ thuật, có năng khiếu nghệ thuật. Ông đi tìm hiểu, luyện các bài võ cổ truyền của dân tộc, và duyên kỳ ngộ khiến ông biết đến võ sáo của nghĩa quân Đề Thám vừa đậm chất nhạc, chất thơ nhưng lại có lực mạnh và đòn hiểm hội tụ đủ chất võ học.

Tiếng sáo trầm bổng giữa núi rừng Yên Thế (Bắc Giang) một thời thể hiện bản lĩnh của trai Cầu Vồng Yên Thế, khi vừa có thể truyền tin tức xa nhiều dặm trong rừng sâu trước cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa có thể là vũ khí đối kháng với địch khi cần thiết. Không ít lính đánh thuê Pháp đã bị loại khỏi cuộc chiến bằng thứ vũ khí này.

Cây sáo sắt của nghĩa quân Yên Thế năm xưa có chiều dài khoảng 65 - 70 cm, tương đương với một cây mã tấu (đao), nặng 400 gam, có thể đánh, đỡ, đâm từ sát thương cho tới hạ thủ địch. Khi hội hè hoặc thư giãn có thể chơi được những bản nhạc tâm tình tự sự, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu cuộc sống. Giai điệu sáo ảnh hưởng sâu đậm dân ca quan họ vùng Kinh Bắc và hát then miền Cao Bắc Lạng. Đầu sáo buộc tua vải màu, trang trí hoa mĩ, thể hiện phần chuôi đao, chuôi kiếm. Cây sáo này được sử dụng theo những chiêu thức của đao kiếm và thấp thoáng hình bóng của đoản côn.

Võ sáo là một trong những tinh hoa của môn vũ khí đặc dị trung bình. Khi xung trận khí thế mạnh mẽ, lúc lại chậm rãi như dòng nước lững lờ trôi, thu sáo vào như cuốn cờ, đâm ra chắc như đinh đóng, có giá trị thực dụng chế ngự đối phương. Nếu khổ luyện thuần thục thì người sử dụng võ sáo có sức khỏe dẻo dai và thân thể cường tráng.

Tổng thuật của bài võ sáo gồm 6 thế tấn, 13 thuật đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể. Trong bài võ sáo "Bóng trăng Phồn Xương" gắn liền với tên tuổi của nghĩa quân Yên Thế, tâm hồn người võ sĩ như hòa quyện vào trăng sao. Những chiêu thức bài võ này mang trạng thái của thiên nhiên, hoa lá cây cỏ cho đến sức mạnh của mãnh thú, có tác dụng dưỡng sinh, chữa bệnh, điều hòa khí huyết, thần sắc…

Võ sáo uy dũng là thế, nhưng âm thanh của thiết tiêu lại hết sức quyến rũ làm mê đắm người nghe. Võ sư Trịnh Như Quân tuổi nay đã ngoài 70 nhưng có thể chơi được khoảng 500 bản nhạc bằng nhiều loại sáo khác nhau, độc nhất vô nhị hiện nay. Mọi người yêu mến đã mệnh danh ông là Thiết địch thần tiêu. Nhưng khi vừa dứt thanh âm mê hoặc, cây sáo sắt trong tay ông có thể bất ngờ tung đòn công phá, đập nát hàng chục viên gạch sau một cú vận lực đánh.

Qua nhiều năm miệt mài tìm tòi, bảo tồn và nâng tầm tuyệt kỹ võ sáo, Thiết địch thần tiêu Trịnh Như Quân đã chế tác ra những cây sáo dị thường. Ông đặt cho ba cây sáo những cái tên hết sức lãng mạn: Thiên thu (dài 0,95 m, nặng 0,7 kg); Thiên thai (dài 1,3 m, nặng 3,4 kg); Tiêu tương (dài 1,5 m, nặng 4 kg). Ba cây sáo này đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là những cây sáo nặng nhất Việt Nam. Chưa dừng lại, ông tiếp tục cho ra đời những cây sáo sắt khổng lồ: Quốc hoa Việt Nam (dài 2,2 m, nặng 7 kg); Rồng nhà Lý (dài 2,5 m, nặng 7 kg); Độc trụ kình thiên (dài 2,5 m, nặng 7,2 kg). Mỗi cây sáo sắt thường có độ dày 7 - 8 mm. Nếu như âm thanh của sáo trúc thanh cao bay bổng, thì âm thanh của sáo sắt lại trầm hùng vang vọng hồn phách núi sông.

Võ sư Trịnh Như Quân cho biết, khi lâm trận, có thể vì một bài sáo thôi mà nhóm tàn quân, thổ phỉ hay là quân giặc đều nhớ nhà, chán ngán muốn trở về quê hương. Qua tiếng sáo, người nghe có thể cảm nhận được nội lực, khí lực của người thổi sáo. Người luyện võ sáo đến độ tinh thông có thể điều khiển cây sáo sắt theo ý muốn, khi uyển chuyển, khi ào ạt, mạnh mẽ như vũ bão, lúc lại mềm mại, hư ảo khiến cho đối phương không thể đoán định được. Với những giá trị như vậy, võ sáo đã chính thức được xác nhận là một trong những trường phái võ học trong các môn võ thuật của nước ta.

Võ sư Trịnh Như Quân ngoài 70 tuổi nhưng vẫn dẻo dai, tinh anh

Võ sư Trịnh Như Quân ngoài 70 tuổi nhưng vẫn dẻo dai, tinh anh

Hổ quyền uy lực

Là người am hiểu và tinh thông võ học, nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022, võ sư Trịnh Như Quân còn chia sẻ bí kíp về hổ quyền hay còn gọi là võ hổ. Võ hổ dựa trên các động tác mô phỏng theo loài hổ với những tính chất hung mãnh, cường bạo nhưng cũng rất uyển chuyển, linh hoạt. Hổ quyền là tượng hình quyền trong võ thuật cổ truyền. Người luyện hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã. Hổ quyền luyện gân cốt, phát huy nội lực, tạo sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt khi phát kình nội lực, lúc phát nổi ngoại công.

Với tuyệt kỹ võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương”, võ sư Trịnh Như Quân và các cộng sự đã giành giải nhì tại Liên hoan Điện ảnh và Truyền hình thể thao quốc tế - FICTS Việt Nam lần thứ IV.

Võ sư Trịnh Như Quân cho biết, võ hổ tuy hung dữ, nhưng không bao giờ tung một đòn mà đoạt mạng đối phương. Điều này thể hiện tính nhân văn của võ học trong tự vệ chiến đấu. Thông thường khi bị đối phương tấn công, phải đối kháng, người luyện võ hổ thường né đòn và tùy cơ ứng biến tung chiêu: mãnh hổ xuất sơn, cuồng phong chấn động, tả hữu khai dực, tầm phong tróc thổ. Đối phương khi trúng chiêu thức này sẽ bị thương, nếu như họ dừng lại không truy sát nữa thì người sử dụng võ hổ sẽ dừng đánh. Trường hợp đối phương tiếp tục tấn công, thì đòn tiếp theo của võ hổ có chân tấn vững chãi, tay vận công ra chiêu hạ gục hoặc banh xác đối thủ. Thường người luyện hổ quyền phải tập khí công, nội lực thâm hậu thì mới có thể phát huy hết uy lực của hổ quyền. Trong võ hổ, có rất nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên loài hổ để diễn tả các thế đánh võ thuật cổ truyền mà chúng ta thường gặp ở các bài quyền truyền thống: bạch hổ khởi động, nhị hổ tiềm tung, mãnh hổ xuất sơn, hắc hổ hạ sơn, ngọa hổ phục lâm…

Với kiến thức võ thuật tinh thông, võ sư Trịnh Như Quân luôn mong muốn truyền dạy hết các kiến thức về võ sáo, võ hổ hay tuyệt chiêu cước pháp bổ thượng uy lực… cho người có đạo đức, ham mê võ thuật. Đặc biệt, người muốn luyện võ sáo phải yêu âm nhạc, đam mê thổi sáo mới phát huy được hết cái hay và sự ma mị của tuyệt kỹ võ sáo.

Tin cùng chuyên mục