Tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh chỉ đạt 32%

(BĐT) - Báo cáo đánh giá về chất lượng cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của các Bộ, ngành, kết quả rà soát độc lập về vấn đề này tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng nay (4/7), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá ĐKKD đạt 32%. Kết quả này cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để các bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về ĐKKD. 
Hiện còn nhiều điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp (ảnh: Internet)
Hiện còn nhiều điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp (ảnh: Internet)

Cắt giảm thực chất còn thấp

Báo cáo Chính phủ tại Phiên họp, Bộ KH&ĐT cho biết, về kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá ĐKKD, theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ (tháng 5/2019), các Bộ, ngành đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, qua nghiên cứu rà soát của Bộ KH&ĐT (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho thấy, trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá ĐKKD chỉ đạt 32%.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện có 2 Bộ đạt vượt mức yêu cầu, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn (73%); Y tế (55%). 2 Bộ về cơ bản đạt yêu cầu, gồm: Công Thương (47%); Xây dựng (44%). Bên cạnh đó, 3 Bộ có kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá ĐKKD đạt từ 31-40% là: Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải. Trong khi đó, có 5 Bộ đạt kết quả từ 11 - 30%, gồm: Khoa học, Công nghệ (26%); Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Tài chính (cùng đạt 20%); Giáo dục và Đào tạo (18%); Thông tin và Truyền thông (14%). 2 Bộ đạt kết quả dưới 10%.

Với kết quả này, Bộ KH&ĐT cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về ĐKKD. Trong thời gian tới, từng Bộ, ngành cần nghiên cứu, rà soát, phân tích chi tiết các nội dung quy định hiện hành về ĐKKD; từ đó nhận diện các ĐKKD không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không đạt hiệu quả quản lý để tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Phối hợp còn lỏng lẻo

Đề cập về sự hợp tác của các Bộ, ngành trong việc thực hiện báo cáo kết quả cắt giảm, đơn giản hoá ĐKKD, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thực hiện đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách trong bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD do các Bộ, ngành thực hiện năm 2018. Tuy nhiên, trong các công văn đôn đốc của Văn phòng Chính phủ, báo cáo được yêu cầu gửi về Văn phòng Chính phủ, do đó Bộ KH&ĐT không nhận được báo cáo của nhiều Bộ, ngành về kết quả cắt giảm, đơn giản hoá ĐKKD. Điều này gây khó khăn cho quá trình tổng hợp thông tin và đánh giá mức độ cải cách thực chất về  ĐKKD. Do đó, để thu thập thông tin báo cáo, Bộ KH&ĐT phải thực hiện qua hình thức liên hệ trực tiếp với một số Bộ, ngành có đầu mối liên hệ (Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp…).

Mặt khác, theo yêu cầu của Nghị quyết số 02, cải cách ĐKKD là một nội dung quan trọng được yêu cầu báo cáo. Tuy vậy, trong hầu hết báo cáo của các Bộ, ngành (báo cáo quý về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02) chỉ liệt kê hoạt động đã thực hiện, chứ không thể hiện kết quả cụ thể đạt được về cải cách điều ĐKKD. Vì thế, Bộ KH&ĐT không nhận được thông tin đầy đủ và phải chủ động tìm kiếm, rà soát các văn bản liên quan nhằm thực hiện việc đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách ĐKKD.

Cũng theo Báo cáo, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về ĐKKD đã thực hiện trong năm 2018. Tuy vậy, vẫn còn có Bộ chưa đăng tải công khai các ĐKKD sau khi cắt giảm. Bên cạnh đó, hầu hết các Bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm ĐKKD cũng như chưa giám sát quá trình thực thi những cải cách này. Khảo sát thực tế, hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng, không biết thông tin khi được hỏi về những cải cách ĐKKD.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thực chất về ĐKKD, Bộ KH&ĐT kiến nghị một số giải pháp chủ yếu. Một là yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giám sát sát sao việc triển khai thực hiện các cải cách về ĐKKD đã được ban hành; đảm bảo thực thi nghiêm túc, đầy đủ ở các cấp thực thi. Hai là yêu cầu các Bộ, ngành đăng tải đầy đủ các ĐKKD hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành (hoàn thành trước 10/7/2019). Thông tin và đường link gửi tới tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan (hoàn thành trước ngày 20/7/2019)…