Ứng phó dịch Covid-19: Giải pháp nào cho Việt Nam?

(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), qua đợt dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ các DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ các DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Cẩn trọng dự báo tăng trưởng kinh tế

Theo kịch bản tăng trưởng cập nhật ngày 12/2/2020 của Bộ KH&ĐT, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng năm 2020 dự báo là 6,25%, trong đó quý I tăng 4,52%, quý II tăng 6,08%, quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng dự báo là 5,96%, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,7% và quý IV tăng 6,81%.

Trước đó một tuần, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ KH&ĐT dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 6,27% theo kịch bản 1 và 6,09% theo kịch bản 2. Như vậy, cả hai kịch bản cập nhật ngày 12/2 đều thấp hơn, kéo dãn khoảng cách với mục tiêu tăng trưởng 6,8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ KH&ĐT tiếp tục nhấn mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế. Bộ cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) thông tin, nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện thì khả năng cầm cự chỉ hết tháng 2/2020.

Bộ KH&ĐT cho biết, trước diễn biến và ảnh hưởng của dịch, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nới lỏng trong ngắn hạn để ổn định nền kinh tế, như tung ra thị trường hơn 240 tỷ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản; khuyến khích cho vay tín dụng, trì hoãn thanh toán các khoản vay; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay; cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho DN...

Thái Lan cũng công bố các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế, hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế DN cho cả DN nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

Singapore đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó (dự kiến công bố ngày 18/2/2020) và đã công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế. Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm. 

Sớm dự liệu giải pháp

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 12/2, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là một thử thách phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Nếu chỉ với cách làm bình thường, chúng ta sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa. Nhiều giải pháp cần được xem xét để tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí, thúc đẩy phát triển, kể cả kích cầu, thúc đẩy giải ngân hay chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác.

Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra là “không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”, việc chủ động sớm dự liệu giải pháp, theo Bộ KH&ĐT, là rất cần thiết.

Trong đó, Bộ đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay... Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa; DN logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch...

Sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng cường nội lực, tính tự chủ, khả năng chống chọi và thích ứng của nền kinh tế.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể các mặt hàng, sản phẩm hiện đang có mức độ phụ thuộc nhiều vào một thị trường (bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường đầu vào, nguồn cung nguyên liệu), xây dựng, triển khai phương án, lộ trình phù hợp mở rộng thị trường và sản xuất trong nước hoặc thị trường, nguồn cung từ các đối tác khác để giảm dần phụ thuộc vào một thị trường, đối tác.