Ứng phó với biến động tỷ giá USD/VND năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính sách thuế quan và thương mại khó đoán của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cùng nhiều yếu tố bất định trên thế giới đang và sẽ tác động đến biến động của tỷ giá USD/VND. Việc chủ động đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời linh hoạt các giải pháp điều hành thị trường tiền tệ là những giải pháp được kỳ vọng có thể ứng phó với biến động của tỷ giá trong năm mới.
Niềm tin về đà phục hồi của kinh tế Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác. Ảnh: Tiên Giang
Niềm tin về đà phục hồi của kinh tế Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác. Ảnh: Tiên Giang

Ngày 4/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá USD/VND trung tâm 35 đồng so với phiên giao dịch trước đó, lên mức 24.360 đồng. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.578 đồng, tỷ giá sàn là 23.142 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN giữ nguyên mức 23.400 - 25.450 đồng (mua vào - bán ra). Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh nhiều lần trong ngày 4/2. Đơn cử, tại Vietcombank, giá mua - bán USD được niêm yết ở mức 25.110 - 25.460 đồng vào buổi sáng và giảm còn 25.040 - 25.400 đồng vào buổi chiều. Đây cũng là mức giá tương đương mức giao dịch đầu tháng 1/2025.

Trên thị trường thế giới, chỉ số DXY (thước đo sức mạnh đồng USD) duy trì ở mức 108,46 điểm, tương ứng với mức điểm ngày 1/1/2025. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này thường ở mức trên 108 điểm, có lúc trên 109 điểm, chủ yếu biến động theo các động thái chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về diễn biến tỷ giá trên thị trường thế giới và trong nước từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, chỉ số DXY tăng do niềm tin về đà phục hồi của kinh tế Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump khiến đồng USD tăng giá. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND giữ ở mức cao từ đầu năm đến nay do nền kinh tế nước ta phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp cần ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

Về diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng: “Biến động của đồng USD phụ thuộc vào các quyết sách kinh tế của ông Donald Trump. Trong đó, việc đánh thuế cao với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc vấp phải phản đối của nhiều chuyên gia kinh tế bởi về lâu dài chính sách này có thể đẩy giá hàng hóa, làm tăng lạm phát và kìm hãm đà tăng trưởng thay vì thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, trong năm nay, xu thế USD tiếp tục tăng giá rõ rệt hơn nên tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng ở mức tương tự năm 2024”.

Vị chuyên gia này cho rằng, để ứng phó với các biến động mạnh của tỷ giá USD/VND, biện pháp quan trọng là điều tiết thị trường tiền tệ để mặt bằng lãi suất VND ở mức tương đối cao, hay nói cách khác là xoay chiều chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt dần dần, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ về vốn cho các lĩnh vực hoặc dự án trọng điểm để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định tỷ giá và thị trường tiền tệ.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, tỷ giá USD/VND tiếp tục duy trì ở mức cao trong đầu năm nay bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ đang tác động đến kinh tế toàn cầu và việc nhà đầu tư ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn ra từ đầu năm đến nay. Mặt khác, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước vẫn tiếp tục diễn ra có thể khiến lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao, khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất thì đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên.

Đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu và cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam là những giải pháp để chủ động ứng phó với biến động tỷ giá USD/VND. Ảnh: Nhã Chi
Đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu và cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam là những giải pháp để chủ động ứng phó với biến động tỷ giá USD/VND. Ảnh: Nhã Chi

Trong bối cảnh đó, theo ông Huân, để giảm áp lực với tỷ giá, cơ quan điều hành có thể điều tiết thị trường tiền tệ như đã thực hiện trong năm 2024. Theo đó, áp dụng các công cụ của thị trường mở để đẩy mặt bằng lãi suất nhích dần lên. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu và tận dụng lợi thế từ việc Mỹ áp thuế cao với các thị trường khác, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới để tăng lượng ngoại hối vào Việt Nam. Đó là bài toán cân đối giữa thương mại, đầu tư, tiền tệ.

Từ góc độ đơn vị nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VCBS chỉ ra một số áp lực nhất định sẽ tác động lên tỷ giá USD/VND trong năm 2025. Chỉ số DXY có thể duy trì ở ngưỡng cao nhờ thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan. Theo đó, Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác. Các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu của VCBS vẫn chỉ ra những yếu tố tích cực. Chẳng hạn, với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến các quốc gia bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam. Kiều hối tiếp tục tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 sau khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Cán cân thương mại tiếp tục được dự báo thặng dư trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi. Trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.

VCBS đánh giá nhiều khả năng DXY sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao và có thể kéo dài hơn dự kiến, VND được dự báo giảm giá so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, do bộ đệm dự trữ ngoại hối mỏng, biến động tỷ giá năm 2025 sẽ tùy thuộc vào cung - cầu ngoại tệ trong nước, triển vọng tăng giá của đồng USD và chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, tỷ giá dao động trong biên độ +/-5% và kết thúc năm 2025 ở mức 26.200 đồng/USD. Ở kịch bản tiêu cực, tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt 26.200 đồng nếu Mỹ áp thuế quan 10 - 20% đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trong nửa sau năm 2025.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, năm 2025, nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo trong thời gian tới có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Do đó, NHNN sẽ tiếp theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin cùng chuyên mục