Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại TP HCM. Ảnh:Anh Tú. |
Trong ngày đầu tuần, các ngân hàng thương mại liên tục đẩy giá mua bán đôla Mỹ lên cao. Tại Vietcombank, lúc 16h hôm nay, tỷ giá lên "đỉnh" mới khi niêm yết mức mua vào 23.220 đồng còn bán ra 23.300 đồng. Giá này cao hơn đầu ngày 10 đồng, còn nếu so với cuối tuần thì đắt hơn 20 đồng.
Tại một số nhà băng khác như Techcombank, Eximbank bán ra là 23.320 đồng còn mua vào dao động ở 23.240 đồng. Trong khi đó, Ngân hàng Sài Gòn thương tín - Sacombank bán ra 23.330 đồng, còn mua vào là 23.235 đồng. Còn mức giá cao nhất thuộc về OCB với bán ra 23.335 - 23.240 đồng.
Đợt tăng tỷ giá USD/VND lần này bắt đầu từ cuối tuần trước sau khi đã có sự hạ nhiệt. Từ mốc bán ra quanh 23.240 đồng hôm 26/7, mỗi USD đã tăng vọt 50 đồng vào ngày 27/7 và tăng gần 50 đồng vào ngày hôm nay. Nếu so với đầu tháng, mỗi USD tăng hơn 210 đồng. Đây là đợt tăng thứ tư của giá USD tính từ đầu năm đến nay và cũng là đợt tăng mạnh nhất tính về tốc độ.
Trong khi đó, giá USD ngoài thị trường tự do chiều nay có phần chững lại. Lúc 16h, một số điểm bán ngoại tệ tại TP HCM có giá mua bán dao động 23.410 - 23.470 đồng, không thay đổi so với đầu ngày, nhưng cao hơn cuối tuần tầm 40 đồng.
Tỷ giá ngân hàng và tự do tăng tốc ngày hôm nay có thể ảnh hưởng một phần từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 10 đồng, trong khi giá bán ra tại Sở giao dịch cũng đắt thêm 10 đồng, lên sát 23.289 đồng.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua luôn cho rằng việc tỷ giá USD/VND tăng hay giảm là sự điều chỉnh bình thường của thị trường, phụ thuộc cung cầu ngoại tệ từng thời điểm. Qua báo cáo của các ngân hàng thương mại, thời gian gần đây có ghi nhận nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tiền hàng của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu này không lớn trong khi thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào.
Trong đợt bán can thiệp ngoại tệ mới đây, theo nguồn tin từ một lãnh đạo ngân hàng, trong các ngày trung tuần tháng 7, các ngân hàng thương mại đã đăng ký mua vào gần 2 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước. Ước tính với lượng ngoại tệ bán ra này, nhà quản lý đã thu về khoảng 46.000 tỷ đồng và khả năng thời gian tới nhà quản lý sẽ phải bán tiếp một lượng ngoại tệ nhất định để ổn định thị trường. Bởi nếu so với mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, giá bán USD tại các ngân hàng hiện nay đã sắp chạm trần (chỉ còn cách khoảng 3 đồng).
Mặc khác, các chuyên gia cho rằng, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn và đồng nhân dân tệ liên tục xuống giá thì áp lực lên tỷ giá USD/VND thời gian tới vẫn còn rất lớn.