Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, thống kê năm 2015 cho thấy, các DN Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam khá lớn, nhưng tỷ lệ DN sản xuất của Nhật Bản mua linh kiện từ DN Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 33,2%. Trong khi đó, tại các nước trong khu vực, tỷ lệ này rất cao: Trung Quốc là 66,2%, Thái Lan là 54,8%, Indonesia là 43,1%, Malaysia là 40,7%.
Lý giải thực trạng này, ông Cấn Văn Lực cho rằng, cả nước hiện có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tuy nhiên, số DN CNHT chỉ chiếm khoảng 0,3%. Lực lượng DN mỏng nên CNHT của Việt Nam được đánh giá còn yếu và manh mún. DN cung ứng sản phẩm CNHT chủ yếu là DNNVV; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ở mức thấp; chất lượng và giá trị gia tăng hạn chế trong khi giá thành sản phẩm lại cao.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, các sản phẩm CNHT của DN trong nước chưa phải là sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Qua nhiều vòng xét duyệt, hiện mới chỉ có 9 DN CNHT Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam như Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh, Công ty In và Bao bì Goldsun; Công ty Ngân Hà; Công ty Phước Thành; Công ty Minh Đạt… Tuy nhiên, để biến những DN này trở thành nhà cung cấp cho mình, Samsung đã phải hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Công ty tại Việt Nam.
“Ngành CNHT trong nước mới chỉ phát triển ở một số lĩnh vực cung cấp linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử… Trong khi đó, sản phẩm CNHT cung ứng cho những ngành công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày thì lại đang còn yếu” - bà Ngân nhận định.
Khó khăn trong tiếp cận vốn
“DN sản xuất cần nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Đặc điểm này khác với DN thương mại là sáng bán, chiều mua, sớm thu hồi vốn. Vì vậy, Nhà nước phải xem DN sản xuất là nền tảng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động thì mới có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực” - đại diện Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội khuyến nghị.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trịnh Thị Ngân cho rằng, hiện nay, các loại quỹ của các bộ, ban, ngành dành để hỗ trợ DN là khá phong phú, tuy nhiên, tiếp cận được các nguồn quỹ này thì lại không hề dễ bởi có quá nhiều thủ tục không cần thiết làm nản lòng DN. Việc cần làm ngay lúc này, theo bà Ngân là phải quyết liệt loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi tối đa cho DN CNHT tiếp cận vốn tín dụng từ các nguồn quỹ ưu đãi.
Chia sẻ về những hỗ trợ của TP. Hà Nội đối với DN CNHT, bà Ngân cho biết, Thành phố đã có chủ trương hỗ trợ các DN CNHT trong giai đoạn sau đầu tư, nhưng số lượng DN được hỗ trợ còn khá “khiêm tốn”. Do đó, DN thường phải đi tìm những nguồn vốn khác với điều kiện phải hoàn trả trong ngắn hạn. Thực tế này gây không ít khó khăn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh mang tính dài hơi của DN.