Ưu tiên cải cách môi trường pháp lý cho kinh doanh

(BĐT) - Việt Nam muốn biến khu vực tư nhân thành động lực tăng trưởng quan trọng thì cần phải ưu tiên cải cách môi trường pháp lý cho kinh doanh. Khuyến nghị này được nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Tọa đàm “Thay đổi cách thức tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh” diễn ra sáng 13/6, tại Hà Nội.
Tốc độ mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên nhưng sức cạnh tranh chưa cao. Ảnh: Tường Lâm
Tốc độ mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên nhưng sức cạnh tranh chưa cao. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều điểm cần cải thiện

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam được mở rộng với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về “Các ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh” của Việt Nam do WB thực hiện cho thấy, sự tự tin của khối tư nhân vẫn chưa cao.

“Tốc độ mở rộng của khu vực tư nhân tăng lên nhưng cũng có những biến dạng, đó là đầu tư đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây…, đặc biệt chưa thấy bằng chứng tăng sức cạnh tranh thị trường”, Nghiên cứu nêu rõ.

So sánh môi trường pháp lý của Việt Nam với toàn cầu, WB đánh giá, Việt Nam đã có những thành công rất ấn tượng về mở cửa thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm chi phí kinh doanh, thúc đẩy tiếp cận tín dụng. Song bà Sylvia Solf, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân thuộc WB cho rằng, môi trường pháp lý của Việt Nam, quản trị pháp lý của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan…

“Môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều hạn chế cần cải thiện như: tham nhũng và hối lộ, thiếu minh bạch, chất lượng thể chế, hệ thống tư pháp, quản lý đất đai”, bà Sylvia Solf nói.

Kết quả khảo sát của WB cũng cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp (DN) dự kiến tặng quà cho quan chức nhà nước để xử lý được việc rất cao, hơn 90%; hiệu quả của khung pháp lý trong giải quyết tranh chấp của Việt Nam đạt 3,3 điểm, trong khi mức tốt nhất của thế giới là 7 điểm; hiệu lực thực thi quy định pháp luật của Việt Nam đạt 0,54 điểm, còn mức tốt nhất là 1 điểm…

Trong dài hạn, WB chỉ ra còn nhiều lĩnh vực cải cách tiềm năng như đảm bảo quyền sử dụng đất, tính minh bạch của các nghị định và văn bản pháp lý…

Quan sát vấn đề xử lý tranh chấp của đa số DN Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu hiện tượng: “Khi xử lý tranh chấp, các DN thường không ra tòa án mà suy nghĩ đầu tiên của họ là có người quen trong lĩnh vực tư pháp không, nếu có sẽ “chạy”. Cứ như vậy, xử lý tranh chấp đã có sự can thiệp hành chính…”.

Đồng tình với ý kiến của ông Cung, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng: “DN không nên coi việc ra tòa án xử lý tranh chấp là việc xấu. Lý do, tòa án là cơ quan có chuyên môn, có hiểu biết pháp luật nên việc xử lý vấn đề sẽ độc lập, khách quan, minh bạch và công bằng”. 

Cải thiện bằng cách nào?

Đề xuất cải cách môi trường pháp lý cho kinh doanh tại Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần thay đổi mô thức tiếp cận với ít nhất 6 khía cạnh, trung tâm là người dân và DN. Các khía cạnh được WB đề cập bao gồm: tiếp cận dựa trên rủi ro đối với quy định và giám sát giữa các ngành; khung pháp lý và thể chế mạnh mẽ để bảo vệ quyền sở hữu tài sản; thu hẹp khoảng cách giữa quy định và thực thi, quy trình minh bạch và toàn diện để ban hành quy định mới; dịch vụ điện tử; hệ thống lấy dữ liệu làm trung tâm về quản lý đất đai, quản lý thuế, đăng ký kinh doanh; cơ sở thông tin thống nhất về công dân, công ty và tài sản.

Đối với cải cách trong tổ chức thể chế, WB cho rằng, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia của các tỉnh trong quá trình cải cách, cũng như tăng cường sự tham gia của người dùng để tăng khả năng dự đoán và trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, đảm bảo sự phối hợp và thống nhất với các chương trình cải cách liên quan. Xây dựng lộ trình để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 với việc: xác định các ưu tiên chính; xây dựng kế hoạch hành động có tiến độ thời gian trong ngắn hạn và trung hạn để hỗ trợ các mục tiêu tổng hợp dựa trên so sánh quốc tế; xác định tiêu chí đánh giá khả thi gắn trực tiếp với mục tiêu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong cải cách môi trường kinh doanh, ông Cung cho rằng:  “Muốn cải cách thực sự thì phải có liên minh và liên minh phải mạnh với sự tham gia của các bộ, ngành, đặc biệt là của báo chí”.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc thực thi nghiêm những quy định trong Luật Cạnh tranh cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tạo lập môi trường kinh doanh thực sự.