Cơ chế liên kết tốt sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long hình thành nên những vùng sản xuất lớn dựa trên việc phát huy thế mạnh riêng có. Ảnh: Lê Tiên |
Nhu cầu liên kết là có, nhưng còn tự phát
Thực tế thời gian qua tại vùng ĐBSCL cho thấy, xuất phát từ nhu cầu tự thân, một số địa phương trong số 13 tỉnh, thành phố trong Vùng đã tự liên kết thành những tiểu vùng như: tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ)...
Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây vẫn là cơ chế liên kết tự phát giữa các địa phương, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu nhất quán và chưa có cơ chế rõ ràng nên hiệu quả liên kết thấp.
Một ví dụ là ở Bến Tre, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đề xuất xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến sản phẩm từ dừa với quy mô sản xuất lớn giữa tỉnh này và các địa phương lân cận. Song, đến nay, Bến Tre vẫn đang “đơn thương độc mã” đi tìm tiếng nói chung, trong khi đây là một cơ hội phát triển tốt. Nguyên nhân là do có nhiều vướng mắc trong việc thỏa thuận về phân chia địa bàn làm vùng nguyên liệu, địa bàn làm vùng xây dựng nhà máy và phân chia lợi nhuận sau đầu tư, hay đầu tư hạ tầng đồng bộ... Không tỉnh nào muốn chịu rủi ro về môi trường, chi phí bảo vệ môi trường về mình. Không tỉnh nào muốn bỏ tiền ra để tỉnh khác hưởng “thành tích”... Bên cạnh đó, cơ chế thanh quyết toán phần vốn góp giữa các địa phương cũng là một trong những rào cản.
Một thực tế khác, một số địa phương thường ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương mình hơn việc bỏ vốn ra đầu tư liên kết vùng. Nguồn lực mỏng còn do các địa phương thiếu sự liên kết trong thu hút và xúc tiến đầu tư; thậm chí mạnh ai nấy làm, phân tán nguồn lực...
Mặc dù theo Quyết định số 593/QĐ-TTG ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ ít nhất 10% vốn đầu tư phát triển cho vùng để thực hiện dự án, chương trình liên kết vùng, tuy nhiên, thực tế khó bố trí nguồn vốn này theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như kế hoạch này đến nay đã cơ bản “an bài”, hoàn thành.
Do liên kết tự phát nên tính cam kết của các địa phương cũng như người dân rất hạn chế, khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp e ngại bỏ vốn đầu tư.
Việc liên kết vùng, theo ông Tuấn, sẽ giúp các địa phương trong vùng tổ chức tốt không gian phát triển (hạ tầng, quy hoạch...) hình thành nên những vùng sản xuất lớn; tổ chức sản xuất dựa trên việc phát huy thế mạnh riêng có, tìm kiếm thị trường; tránh được những xung đột trong phát triển kinh tế giữa các địa phương như câu chuyện xung đột giữa khu vực nuôi trồng thủy sản nước mặn và khu vực trồng lúa tại Bạc Liêu - Sóc Trăng.
Những mô hình thành công trên thế giới
Liên kết vùng giữa các địa phương có chung điều kiện tự nhiên, mục tiêu phát triển, lợi ích đã sớm được nhiều nước trên thế giới đặt ra và triển khai thành công.
Tại Australia, Ủy ban sông Murray đã được thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước với nhiệm vụ ban đầu là phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển thủy lợi và kinh tế khu vực; sau đó đảm nhiệm thêm vai trò quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, chất lượng nước, độ mặn và quản lý tổng hợp lưu vực; quy hoạch nước toàn bộ lưu vực, phục hồi sinh thái và dòng chảy môi trường, các nghĩa vụ quốc tế.
Từ kinh nghiệm tại Hà Lan, bà Tanya Huizer - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, trong dài hạn, Việt Nam cần ban hành Luật Đồng bằng và thiết lập một hội đồng/ủy ban đồng bằng. Trong đó, việc xây dựng Luật Đồng bằng là cơ sở pháp lý cho hoạt động của các ban chỉ đạo cấp khu vực, để đảm bảo tính nhất quán và tích hợp các phương pháp tiếp cận; định ra những mục tiêu chung để tăng cường tính minh bạch.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu của WB, cơ chế liên kết vùng nào cũng phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như: sự nhất trí (gắn kết các lợi ích và ưu tiên chung; thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu và thông tin; xây dựng nền tảng cho sự tham gia của các bên liên quan); rõ ràng (vai trò và trách nhiệm, cam kết về tài chính...); dựa trên bằng chứng (hoạch định chính sách, có văn phòng chuyên nghiệp và năng lực điều hành, điều phối...); thiết kế phù hợp với bối cảnh từng vùng; tính thích ứng; khả năng nhân rộng.
Để xác định tầm nhìn chung, xây dựng và huy động sự hỗ trợ, cơ chế điều phối vùng phải huy động sự tham gia của cộng đồng, các ngành sản xuất và các tổ chức tại địa phương. Các cơ chế phối hợp phải đảm bảo liên kết giữa các quy hoạch và chính sách cấp quốc gia, tỉnh và địa phương; xác định rõ vai trò, và nếu có thể, tách bạch rõ trách nhiệm; tách bạch giữa cơ chế ra quyết định chính trị và tổ chức thực hiện chuyên môn...
Đối với Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khuyến nghị: “Đây là thời điểm quan trọng khi Trung ương và các địa phương đang chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chu kỳ 5 - 10 năm, nhất thiết phải đưa được vào kế hoạch tổng thể nội hàm hợp tác khu vực với những bước đi và hành động cụ thể. Cần phải đảm bảo một cách tiếp cận tích hợp liên vùng khi xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư, chia sẻ thông tin nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở đồng bằng”.