Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh VGP
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh VGP

Theo chương trình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn các nội dung:

Thứ nhất là, việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Thứ hai là, trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.

Thứ ba là, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tất cả các đại biểu Quốc hội đều có thể tham gia phiên chất vấn

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại các phiên chất vấn trước đây chủ yếu chỉ có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương tham dự nhưng lần này các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đều có thể tham gia chất vấn.

Các đại biểu Quốc hội sẽ đăng ký chất vấn và tranh luận thông qua App Quốc hội trên thiết bị cá nhân của của mỗi đại biểu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai tối đa để phục vụ công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch như: Hiển thị danh sách đại biểu tham gia chất vấn; hiển thị nhận dạng nhanh các câu hỏi chất vấn; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình tại 62 tỉnh/thành phố và đảm bảo kết nối cho các đại biểu Quốc hội đang thực hiện cách ly y tế vẫn tham gia được phiên chất vấn.

Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn tình trạng ‘thổi giá’, móc ngoặc, ‘quân xanh – quân đỏ’ trong đấu giá đất

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm", thổi giá đất.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm", thổi giá đất.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm" trong đấu giá đất; "thổi" giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.

Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.

Bộ trưởng cho biết, để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ TNMT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.

Quản lý rác thải của người mắc COVID-19 theo quy định chất thải nguy hại

Trả lời chất vấn của đại biểu về xử lý chất thải y tế có COVID-19 và chất thải y tế nói chung, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế.

Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành tài nguyên môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom.

Bộ TNMT đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ TNMT cũng đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý.

Cho đến nay, rác thải y tế của người bệnh ở nhà cũng phải coi là một nguồn lây bệnh để có quy trình phân loại, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của địa phương.

Coi chất thải rắn là một loại tài nguyên cần tái chế, sử dụng hiệu quả

Cần coi chất thải rắn là một loại tài nguyên để tái chế và sử dụng hiệu quả. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cần coi chất thải rắn là một loại tài nguyên để tái chế và sử dụng hiệu quả. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, Bộ trưởng cho biết, về mặt pháp luật, đến nay chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng với các nghị định hướng dẫn thực thi luật, các thông tư quy định về vấn đề này.

Cơ bản, pháp luật đã có đầy đủ, trong đó, quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài nguyên Môi trường làm gì, địa phương phải làm gì và hệ thống chính trị và người dân làm gì…

Về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên phải tái sử dụng, tái chế có hiệu quả.

Về công nghệ xử lý, trong năm 2022, Bộ TNMT sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay và sẽ công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lực chọn.

Nhưng công nghệ gì thì cũng sẽ theo hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng. Địa phương sẽ có hướng dẫn và sẽ lựa chọn để có cách thức xử lý phù hợp biến rác thành phân bón hoặc chuyển hóa thành, biogas, điện...

Cuối cùng theo Bộ trưởng điều quan trọng là phải phát huy được trách nhiệm của người dân, các cơ chế chính sách, các cơ chế tài chính và phải xã hội hóa được công việc xử lý chất thải.

Trong luật đã đề cập về vấn đề dịch vụ, trong đó cũng đã nói là các dịch vụ này hoàn toàn có thể tính toán một phần người dân đóng góp, một phần ban đầu là trách nhiệm của Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm để trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ, có các chính sách ưu tiên, ưu đãi.

Còn vấn đề nước thải hiện nay, quan điểm rất rõ là đối với các trung tâm xử lý nước thải, chất thải rắn, phải coi là các trung tâm dịch vụ công và nhà nước phải cung cấp mặt bằng. Thông qua quy hoạch, chúng ta lựa chọn công nghệ và hình thành cơ chế đấu thầu, đấu giá như nào và phải có sự hỗ trợ ban đầu từ nhà nước để làm sao chi phí xử lý nước thải thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Công khai quy hoạch để ngăn chặn tình trạng hứa mua, hứa bán

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần công khai quy hoạch để ngăn chặn tình trạng "hứa mua, hứa bán". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần công khai quy hoạch để ngăn chặn tình trạng "hứa mua, hứa bán". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục hiện tượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản chưa được phép mở bán theo luật định nhưng một số doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn thông qua ký kết các loại hợp đồng như là hợp đồng hứa mua, hứa bán, hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các hợp đồng hứa mua, hứa bán chính là đang lách Luật Đất đai.

Luật đất đai quy định chỉ đưa sản phẩm bất động sản ra thị trường khi đã có quy hoạch, có hạ tầng hay đầu tư xong nền móng… và dự án đó phải trả xong nghĩa vụ tài chính. Việc này được áp dụng bởi Luật Dân sự bởi vì Bộ luật dân sự không cấm những giao dịch hợp đồng.

Theo Bộ trưởng, vấn đề rủi ro ở đây là sẽ có những nhà đầu tư không thật, làm những "dự án ma" không có quy hoạch, không có phê duyệt, đất chưa chuyển mục đích, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa hoàn thành các nghĩa vụ khác thì đã muốn đưa ra thị trường để thu hút nguồn vốn.

Trong Luật Đất đai không quy định về vấn đề hứa bán, hứa mua và hợp đồng. Trong Luật dân sự không cấm, mà đã không cấm thì để hạn chế rủi ro thì phải tìm căn cứ để giải quyết.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch.

Còn việc thu hút đầu tư sau khi người ta biết chắc chắn là sẽ không có rủi ro, dự án là có thật thì những thỏa thuận mang tính chất thỏa thuận dân sự thì hoàn toàn có thể.

Nghiên cứu trong bộ luật Dân sự để quy định khi có những loại giao dịch thế này thì cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần phải công khai và công bố những gì, trách nhiệm đến đâu.

Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn tình trạng thổi giá, đầu cơ

Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai. Ảnh VGP

Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai. Ảnh VGP

Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, Bộ trưởng thừa nhận "đây là hiện tượng rõ ràng có thật". Theo ông, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công.

"Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư, nhưng để càng lâu vẫn lên giá.

Về chính sách chúng ta phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi. Phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thứ nữa là phải phân biệt các phân khúc về thị trường. Phải lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Tức là phải đảm bảo tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường về bất động sản.

Tin cùng chuyên mục