Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm. Ảnh: Lê Tiên |
Mục tiêu dài hạn
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2050, quy mô doanh thu CNBD tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam định hướng phát triển CNBD đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng.
Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2030), thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của CNBD. Cụ thể, hình thành ít nhất 100 DN thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô nhân lực ngành CNBD đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển…
Giai đoạn 2 (2030 - 2040) trở thành một trong các trung tâm về CNBD, điện tử toàn cầu; phát triển CNBD, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Theo đó, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng….
Giai đoạn 3 (2040 - 2050) trở thành quốc gia thuộc nhóm nước đi đầu trên thế giới về CNBD, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Quy mô doanh thu CNBD tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%…
Ngày 21/9, Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành CNBD. Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Qorvo, Cadence, Google, Siemens, Samsung, FPT, Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Silicon Valley, Hoa Kỳ…, nhiều khóa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNBD đã và đang được tổ chức. Chia sẻ với báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang nắm giữ một nguồn lực rất mạnh là con người. Nguồn lực này cần được khai thác và tận dụng triệt để để phát triển đất nước.
Theo TS. Nguyễn Thành Tiến, thành viên Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK), Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành CNBD. Việc ban hành những định hướng chính sách quan trọng sẽ là cơ sở để Việt Nam khai thác nguồn tài nguyên tiềm năng không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cung cấp cho thị trường quốc tế. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, Chiến lược nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.
Cần chính sách mạnh mẽ để đạt mục tiêu
Chiến lược đưa ra 5 nhiệm vụ phát triển CNBD, bao gồm: phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài lĩnh vực bán dẫn; thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và một số nhiệm vụ và giải pháp khác. Trong đó, nhiệm vụ thu hút đầu tư nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất, đồng thời xây dựng cơ chế một cửa hành chính đối với các dự án đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, điện tử…
Đánh giá cao các nhóm nhiệm vụ được đặt ra tại Chiến lược, TS. Nguyễn Thành Tiến cho rằng, hệ sinh thái hoàn chỉnh là một trong những yếu tố cốt yếu để khai mở tiềm năng thị trường CNBD. Hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia giải quyết những vấn đề như vốn, đào tạo nhân lực, hạ tầng.... Do đó, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNBD là rất quan trọng.
Đồng quan điểm, Thạc sỹ Dương Minh Tiến, thành viên Mạng lưới ĐMST Việt Nam cho rằng, nhóm nhiệm vụ liên quan đến xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách có vai trò quan trọng số 1. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ cốt lõi là Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực ngành CNBD để từng bước vươn lên, tận dụng tốt cơ hội từ cuộc cách mạng lần thứ 4, tạo cú huých cho phát triển đất nước.
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là lựa chọn chiến lược
Nhân dịp tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, chiều 22/9 (theo giờ địa phương), tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2030 là thể chế, hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ; sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ khác. Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ có nhiều tiềm năng và thế mạnh.
Điểm qua những kết quả tích cực mà mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đem lại kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và AI là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ mới, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với 2 trụ cột hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghiệp bán dẫn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế và hiểu rằng để thành công và tiến xa trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn và AI, thì chỉ có thể đi cùng nhau, cùng xây dựng chuỗi giá trị vững chắc; đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp, các tổ chức Hoa Kỳ đến Việt Nam để cùng phát triển những giải pháp sáng tạo, bền vững.