Văn hóa doanh nghiệp - vũ khí cạnh tranh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang đặt các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào môi trường siêu cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, bên cạnh công nghệ, nhân lực…, nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của DN chính là văn hóa DN (VHDN). Vậy DN phải làm gì để xây dựng và bồi đắp VHDN?
Doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuộng tính sáng tạo để phù hợp với tầm nhìn mới của Cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Song Lê
Doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuộng tính sáng tạo để phù hợp với tầm nhìn mới của Cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Song Lê

Vũ khí cạnh tranh mới

Tại Hội thảo VHDN và phát triển thương hiệu diễn ra ngày 11/9, PGS.TS Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, cho biết, VHDN không phải bất biến mà được bồi đắp dần các giá trị, tư tưởng mới thông qua bối cảnh mới, nên tất yếu VHDN sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ CMCN 4.0.

Tuy nhiên, theo bà Liễu, điều đáng chú ý là trong cuộc cách mạng này, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người thực hiện từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý, nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn, bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối. Trí tuệ nhân tạo cũng không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp... “Khi đó, VHDN là bộ “gen” giải mã bản sắc riêng và là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của DN thời kỳ CMCN 4.0. DN có cạnh tranh thành công hay không không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn dựa trên sự đầu tư vào VHDN”, bà Liễu nói.

Trong bối cảnh đó, DN phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng quản trị DN toàn diện, hiệu quả và điều không thể thiếu là xây dựng VHDN phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina nhấn mạnh, trong CMCN 4.0, VHDN như vũ khí cạnh tranh mới. Bởi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và thực tế toàn cầu hóa, khoảng cách về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được làm mờ giữa các quốc gia. Vì vậy, VHDN sẽ trở thành xu thế mới mà các DN cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình. Hơn lúc nào hết, các DN cần nhận thức VHDN là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt DN phát triển bền vững.

Thậm chí, theo đại diện Viện Văn hóa kinh doanh, việc chậm thay đổi VHDN sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.

Làm gì để thích ứng?

Gợi ý cho việc xây dựng, thay đổi VHDN để phù hợp với bối cảnh mới, bà Liễu cho rằng, trước hết, DN cần đổi mới, nâng tầm văn hóa. Đây là hành trình dài hạn, cần được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động theo từng giai đoạn của DN để phù hợp với tầm nhìn mới của thời đại CMCN 4.0.

Về phía lãnh đạo DN, trong “kỷ nguyên số”, họ cần sở hữu tầm nhìn về công nghệ với việc nâng cao hiểu biết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi có tầm nhìn và hiểu biết về công nghệ mới, lãnh đạo DN mới có thể ứng dụng thành công vào văn hóa, quy trình vận hành của DN.

Bên cạnh đó, DN phải xây dựng VHDN chuộng tính sáng tạo. CMCN 4.0 chính là cuộc cách mạng về đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự thay đổi trong tư duy. Vì thế, VHDN cũng phải luôn sáng tạo, đổi mới mô hình quản lý và kinh doanh phù hợp, điều hành DN theo hướng tư duy cạnh tranh sáng tạo về trí tuệ, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất cao…

Ông Thành cho biết, ngay từ khi thành lập DN, VHDN đã tồn tại một cách tự nhiên, gồm các thành tố: nền tảng thương hiệu (tên, triết lý, tầm nhìn); văn bản về lịch sử thương hiệu; các văn bản về quy định, nội quy, quy chế, quy chuẩn… Nếu DN muốn hướng đến sự phát triển thì chủ DN cần đầu tư vào VHDN một cách có chiến lược trên cơ sở 3 yếu tố: con người, nguồn lực và phương pháp.

Tin cùng chuyên mục