Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp thủy sản khu vực phía Nam (ảnh: Internet) |
VASEP cho biết, Hiệp hội và cộng đồng DN thuỷ sản đánh giá cao và thấy rõ đây là một văn bản với mục tiêu và ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lớn đến “sức khoẻ” của DN trong bối cảnh hiện nay.
“Cộng đồng DN đang hết sức trông đợi và những quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay để không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động mà có thể phục hồi kịp thời sản xuất, xuất khẩu và sinh kế cho nông - ngư dân trong chuỗi sản xuất thuỷ sản của Việt Nam trong bối cảnh các DN đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19”, VASEP bày tỏ.
Góp ý Dự thảo Nghị quyết, VASEP tán thành cao với hầu hết các quyết nghị đã đưa ra. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, “cứu” ngay được DN, VASEP đề xuất Chính phủ giảm ngay chi phí hỗ trợ DN ngành thủy sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trước hết là giảm 30% tiền điện cho các DN chế biến thuỷ sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021.
Về phí dịch vụ cảng biển, TP.HCM và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022 và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng. Đồng thời, các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Đối với chi phí sản xuất, giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
VASEP đề xuất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội của các DN khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ…
Góp ý về mục tiêu của Nghị quyết, VASEP cho rằng, Điểm 1 Mục II (Mục tiêu) Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm mốc thời gian, “để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2021”. Bởi, theo Hiệp hội, nếu tới thời gian này, ngành thủy sản không khôi phục được sản xuất kinh doanh thì nguy cơ gãy đổ chuỗi là rất lớn hoặc nếu không cũng rất ít cơ hội để phục hồi.