Chủ trương phát triển kinh tế của Chính phủ đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Tường Lâm |
Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông khẳng định, các DNNVV sẽ không phải mất bất kỳ một khoản chi phí không chính thức nào cho việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ.
Hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm với môi trường
Tại buổi làm việc, các DNNVV đã trình bày các phương án đầu tư xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất, trạm xử lý rác thải, lò đốt rác.
Cho ý kiến về vấn đề khoa học công nghệ và thiết bị trong sản xuất, PGS. TS Hà Minh Hùng thuộc Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm ủng hộ với chủ trương phải đầu tư thiết bị công nghệ mới, phù hợp với chính sách đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT. Nếu DN nhập thiết bị cũ cho phương án mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh sẽ không được duyệt, bất kể DN sử dụng nguồn vốn vay của quỹ hỗ trợ nào.
Đánh giá về thiết bị công nghệ sử dụng trong Dự án Nhà máy Đúc nhôm áp lực linh kiện phụ trợ mà Công ty TNHH Thăng Long Tech nêu ra, ông Hùng cho biết, công nghệ của Thăng Long Tech đưa ra đã đáp ứng được các tiêu chí một cách hợp lý. Tuy nhiên, về vấn đề xử lý chất thải công nghiệp của công nghệ đúc nhôm áp lực, DN phải đảm bảo xử lý một cách triệt để chất thải trước khi xả thải ra môi trường. “Phần này DN phải làm rõ, rất kỹ lưỡng trong Hồ sơ vay vốn” - ông Hùng yêu cầu.
Cũng liên quan đến công nghệ sử dụng trong dự án, cho ý kiến về Dự án Đầu tư mở rộng Nhà máy Chế biến dừa của Công ty CP TM&SX Delta, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá đây là một dự án tốt khi hướng tới mục tiêu tạo công ăn việc làm cho nhiều người, chế biến sâu nông sản, giúp tiêu thụ nông sản tốt hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông đề nghị, để đảm bảo tính khả thi của Dự án, DN cần có những giải trình cụ thể về vấn đề công nghệ khi sử dụng máy móc (tiệt trùng và sấy) nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan. Ngoài ra, Hồ sơ vay vốn của Dự án cũng cần nêu rõ phương án sẽ đầu tư cho việc xử lý nước thải ra môi trường. “Nhà nước kiên quyết không hỗ trợ vốn cho các DN mà không có trách nhiệm với môi trường và DN phải chịu trách nhiệm về vấn đề này” - Thứ trưởng Đông khẳng định quan điểm.
Loại bỏ giao dịch không chính thức khi vay vốn
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Quỹ Phát triển DNNVV ra đời là để hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng một nền hành chính kiến tạo, Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Chủ trương phát triển kinh tế của Chính phủ đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển DNNVV, chú trọng đến những DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo ra của cải vật chất, việc làm cho xã hội. Do đó, Quỹ coi việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV, trong đó có việc hỗ trợ về tài chính là dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp cho cộng đồng.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, DN cũng cần phải biết những “quyền” của mình khi vay vốn từ Quỹ. Theo đó, nếu ngân hàng nhận ủy thác này từ chối cho DN vay vốn thì DN vẫn có quyền nộp hồ sơ vay vốn tới Quỹ để đề xuất vay vốn tại ngân hàng nhận ủy thác khác. “Quan điểm rõ ràng là khi tiến hành tiếp cận vốn từ Quỹ, các DNNVV không phải mất thêm một khoản chi phí không chính thức nào để vay vốn. Sẽ không có chuyện xin - cho trong vay vốn từ Quỹ” - Thứ trưởng Đông khẳng định.
Để thực thi quan điểm trên, Thứ trưởng yêu cầu Quỹ và các ngân hàng nhận ủy thác xây dựng một tài khoản trực tuyến điện tử/hồ sơ vay vốn để quản lý và giao dịch thông qua tài khoản đó. Theo đó, những ý kiến đóng góp, đánh giá, thẩm định, giải trình của Quỹ, ngân hàng nhận ủy thác, chuyên gia và DN được công khai, từ đó tránh những giao dịch “không chính thức”, tránh xin cho trong quá trình DN vay vốn từ Quỹ.