Đề xuất loại kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. (Ảnh Internet) |
Đứng đầu Danh mục các ngành nghề kinh doanh các điều kiện được đề xuất bãi bỏ là ngàn nghề kinh doanh dịch vụ xoa bóp với lý do là ngành này đã được quản lý bằng điều kiện an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Tiếp đó là đề xuất bãi bỏ ngành nghề hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại. Các luật sư cho rằng, Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định và áp dụng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi theo quy định tại Khoản 16 Điều 2 Luật DN, Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại (Mục 17) không phản ánh bản chất của một ngành, nghề kinh doanh, bởi “Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” (Khoản 2 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại). Hơn nữa, đây là cơ quan tài phán, được thành lập với mục đích xét xử.
Ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cũng được các luật sư kiến nghị bãi bỏ. Lý do là về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Nợ” – đối tượng của giao dịch này có thể bao gồm là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác). Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã được kiểm soát bằng các văn bản pháp luật khác). Trong khi đó, dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia; không phù hợp với mục đích quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.
Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự, “nợ” được xem là một loại hàng hóa, được giao dịch trên thị trường (những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ” như các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định … đã được điều chỉnh bới các văn bản riêng). Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.
23 ngành nghề khác thuộc Danh mục cũng được đề xuất bãi bỏ như: Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LGP); Xuất khẩu gạo…
Bên cạnh đề xuất bãi bỏ ngành nghề kinh doanh không cần thiết phải có điều kiện, VBLC cũng đề xuất sửa đổi 01 ngành nghề, đó là “Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” thành “Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng”. Đồng thời, bổ sung 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó là: Tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp; Đăng kiểm tàu cá; Kinh doanh sản phẩm báo chí nhằm thống nhất với các luật chuyên ngành.
Nhằm tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, dự kiến vào sáng ngày 20/2/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp./.