VEC cần chuẩn bị các phương án để gối đầu dự án, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả. Ảnh: LTT |
Thu hút, sắp xếp các nguồn vốn
Trong năm 2015, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề án tăng vốn điều lệ của Tổng công ty và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động từ Công ty TNHH MTV sang Công ty cổ phần. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, giải trình của VEC và Bộ GTVT, ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2393/TTg-KTTH đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh và hướng dẫn hạch toán tăng vốn theo quy định.
Cùng với đề xuất tăng vốn điều lệ, trong năm 2015, trên cơ sở rà soát tính toán lại sự tăng trưởng về lưu lượng xe và doanh thu thu phí trên 3 tuyến cao tốc vừa được đưa vào sử dụng cùng với các yếu tố đầu vào khác, VEC đã cập nhật số liệu tài chính của 5 dự án đường cao tốc và đã báo cáo Bộ GTVT phương án tài chính của 5 dự án này theo nguyên tắc VEC được chủ động thu xếp bù đắp trên cơ sở hòa chung dòng tiền 5 dự án để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời.
Theo phương án cập nhật này, Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ 30.787 tỷ đồng để bù đắp thiếu hụt tạm thời trong những năm đầu khai thác đối với 2 dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi như dự kiến trước đó. Các dự án khi hòa chung dòng tiền chỉ bị thiếu hụt khoảng 1.690 tỷ đồng vào năm 2030 khi đại tu các tuyến đường. Khi đó, phần thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng cách vay tín dụng bổ sung, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc kéo dài thời gian thu phí của một trong các tuyến cao tốc. Đây được coi là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực tài chính cho VEC, đáp ứng yêu cầu của Luật Quản lý nợ công, lành mạnh hóa và đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý, làm cơ sở cho VEC huy động được tối đa các nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc mới.
Nâng cao hiệu quả đầu tư
Công tác triển khai dự án trong năm 2015 của VEC cũng cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể, hoàn thành thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm toàn tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; thông hầm Eo và hợp long cầu Kỳ Lam; triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp chính đoạn JICA và phần phía Tây đoạn ADB của dự án Bến Lức - Long Thành…
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới cũng được VEC triển khai tích cực. Năm 2015, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế cơ sở dự án Hà Nội - Lạng Sơn và cho phép triển khai công tác thiết kế kỹ thuật cho 43,3km đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Ngoài ra, VEC cũng chủ động nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt, Biên Hòa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Nha Trang để góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành 1.000km đường cao tốc vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, để nâng cao hiệu quả đầu tư, VEC cần chuẩn bị các điều kiện, các phương án để gối đầu dự án, tránh tình trạng trì trệ, thiếu quyết liệt, kém hiệu quả. Trước hết, VEC cần tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp. Đây là chìa khóa để VEC tiếp tục xây dựng những phương án sản xuất kinh doanh tiếp theo.
Hiện mảng đầu tư, khai thác đường cao tốc, VEC chưa thực sự rõ nét. Năm 2016, VEC cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển đầu tư đường cao tốc. Thực tế hiện nay, việc chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành hay đang khai thác chưa thực sự hiệu quả, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, VEC cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chống thất thu, tăng giá trị sản lượng.