Vì sao cơ chế tự phát hiện tham nhũng chưa hiệu quả?

Những hội nghị và các báo cáo liên quan đến công tác PCTN thời gian qua cho thấy một thực tế: Rất ít cơ quan, tổ chức tự phát hiện ra tham nhũng trong nội bộ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ấy thế nhưng báo cáo chuyên đề về công tác PCTN trình bày trước Quốc hội (QH) lần nào cũng có chung nhận định “tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp”, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, án tham nhũng sau thường lớn hơn án tham nhũng trước…

Rất nhiều quan chức, đại biểu QH, các chuyên gia độc lập đã lên tiếng bình luận sau sự kiện Thanh tra Hà Nội và TP.HCM phát đi thông tin qua đấu tranh nội bộ và qua công tác thanh tra năm 2015, chưa tự phát hiện được trường hợp nào có dấu hiệu tham nhũng. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sau đó lên tiếng khẳng định sự cố gắng của ngành thanh tra thời gian qua và nhấn mạnh: “Chúng tôi thể hiện hết sức trách nhiệm”.

Ông Phạm Tất Thắng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH) băn khoăn: “Nếu như kết quả này là trung thực thì đó là kết quả đáng mừng. Thế nhưng ở đây thực sự là không có hay là chúng ta không phát hiện ra?”. Theo ông Thắng, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương lớn, hai đầu tàu của đất nước mà cũng không phát hiện ra tham nhũng mới thấy sự phức tạp của vấn đề.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến lại đưa ra tới ba giả thuyết. Thứ nhất, Hà Nội và TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nên những kẻ muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được.

Thứ hai, có thể tham nhũng ngày càng tinh vi, câu kết chằng chịt, tạo thành những lợi ích nhóm, mỗi thành viên trong đường dây đều che chắn cho nhau, biến hóa nhào nặn số liệu cho phù hợp nên việc phát hiện rất khó khăn.

Thứ ba, chẳng địa phương nào muốn vạch áo cho người xem lưng, vì thế có thể khi phát hiện ra người ta chỉ xử lý nội bộ.

“Ở các nước khác thì 90% số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán còn ở Việt Nam thì chỉ có nhân dân, báo chí phát hiện, còn qua thanh tra, kiểm toán rất hạn chế” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH đánh giá về nhiệm kỳ năm năm (2011-2016) của Kiểm toán Nhà nước.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này Kiểm toán Nhà nước chỉ chuyển được chín hồ sơ về 11 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạm xa rời các báo cáo, diễn biến từ thực tế đã đưa tới nhiều quan ngại, không phải “có hay không việc tham nhũng tại các cơ quan chống tham nhũng” mà những vụ việc bị phát hiện là bao nhiêu phần nổi của tảng băng chìm?

Chiều 9-1-2016, ông Nguyễn Tường Duy, cán bộ Đội Kiểm soát hải quan (Đội Chống buôn lậu) thuộc Cục Hải quan TP.HCM, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Khám xét nơi ở của ông Duy, cơ quan an ninh đã thu giữ nhiều phong bì nghi là tiền tiêu cực giá trị gần 1 tỉ đồng.

Đáng chú ý, sự kiện này chỉ xảy ra vài ngày sau khi 100% cán bộ, đảng viên hải quan cam kết nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, không vi phạm kỷ luật lao động.

Ngược lại dòng thời gian trở về thời điểm năm 2012, ngày 29-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bốn cán bộ kiểm toán nhà nước nhận hối lộ. Phiên tòa được ghi nhận là vụ đầu tiên cán bộ kiểm toán nhà nước bị bắt quả tang, truy tố trước pháp luật về tội danh tham nhũng.

Bốn đối tượng này bị bắt quả tang khi đang nhận 290 triệu đồng từ đại diện các nhà thầu, tuy nhiên lời khai của bị cáo đầu vụ đã thừa nhận thực tế họ đã nhận 671 triệu đồng từ các nhà thầu…

Tin cùng chuyên mục