Hiện nay hoàn thuế VAT cho người nước ngoài vẫn còn rất thấp. Ảnh: PV. |
Cách đây 3 năm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 72 quy định về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh. Sự ra đời của Thông tư này nhằm thực hiện chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời, góp phần kích cầu phát triển ngành du lịch và phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, đến nay theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, việc hoàn thuế cho người nước ngoài vẫn rất khiêm tốn. Dựa trên báo cáo của cơ quan Hải quan ở một số tỉnh thành có thể nhận thấy rằng việc thực hiện chính sách này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Tiến sĩ Hiển cho biết, số lượng tham gia và điểm bán còn ít chỉ với 8 cửa khẩu hoàn thuế; 67 doanh nghiệp tham gia và 270 điểm bán hàng, chủ yếu ở TP HCM (208 điểm).
Doanh thu và số hoàn thuế thấp, chủ yếu tập trung tại TP HCM. Trong 6 tháng 2017, doanh thu hoàn thuế đạt 15 tỷ đồng, trong khi Khánh Hòa chỉ khoảng 50 triệu đồng. Hàng hóa tập trung ở hàng thời trang, đồng hồ, điện thoại.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ hai phía, từ doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế và cơ quan quản lý thuế. Ông Hiển cũng chỉ ra nguyên nhân của việc hạn chế hoàn thuế đến từ quy trình doanh nghiệp yếu kém. Hóa đơn thiếu thông tin, mã hàng, ký hiệu thiếu và không thống nhất. Nhiều doanh nghiệp chưa tham gia khai thuế điện tử. "Thủ tục hoàn thuế chưa thuận lợi, tốn nhiều thời gian. Quy trình liên quan 6 Bộ và Hải quan, thiếu đồng bộ", ông nói.
Theo PGS - Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA), một trong những chính sách quan trọng góp phần tăng nhu cầu “mua sắm” của khách du lịch quốc tế là chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng. Thế nhưng, hiện nay các thủ tục liên quan đến việc hoàn thuế VAT cho du khách còn khá phức tạp và chưa có sự thống nhất như các mặt hàng được hoàn thuế; mẫu hoá đơn hoàn thuế, quy trình thủ tục hải quan... Việc hướng dẫn các thủ tục hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp và khách du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức.
"Đây chính là nguyên nhân của tình trạng nhiều khách du lịch quốc tế đã không được hoàn thuế VAT tại các cửa khẩu khi làm thủ tục rời Việt Nam kết thúc chuyến du lịch", ông nói.
Trước thực trạng này, ông Lương dẫn kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2004 ở quy mô toàn quốc cho thấy mức chi tiêu trung bình của một khách du lịch quốc tế cho một chuyến đi du lịch ở Việt Nam chỉ 1.283 USD, còn thấp so với chi tiêu của khách du lịch quốc tế ở một số quốc gia khác trong khu vực tại cùng thời điểm như Thái Lan là 1.865 USD, Singapore là 2.670 USD,...
Khách từ thị trường Áo có mức chi tiêu cao nhất cho một chuyến đi tới Việt Nam là 1.680 USD; tiếp theo là Canada với 1.678 USD, kế tiếp là Mỹ 1.645 USD; Đức với 1.552. Khách du lịch Trung Quốc có mức chi thấp nhất cho một chuyến đi tới Việt Nam với 517 USD.
Và chi tiêu của du khách tại Việt Nam có xu hướng sụt giảm khi ông Lương dẫn kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2014 cho thấy tổng chi tiêu trung bình cho một chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 1.114 USD, thấp hơn so với năm 2004. Trong số đó, chi cho lưu trú chiếm 33,14%, chi cho ăn uống chiếm 23,74%, chi cho mua mua sắm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi vui chơi giải trí chiếm 3,56%, chi khác chiếm 3,79%.
Như vậy có thể thấy cho dù các cuộc điều tra được thực hiện ở 2 thời điểm khác nhau, song kết quả điều tra cho thấy chi tiêu của khách du lịch quốc tế ở Việt Nam còn hạn chế và có xu hướng giảm.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới Việt Nam nên đầu tư nhóm tư vấn giúp doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện quy trình hoàn thuế. Song song đó, các cơ quan chức năng nên đầu tư trang thông tin doanh nghiệp, sản phẩm và địa điểm hoàn thuế như một trang quảng bá kinh doanh uy tín.