Vì sao nhân tài ở Đà Nẵng thôi việc?

Không được bố trí công việc phù hợp, lương thấp, nhiều nhân tài theo Đề án 922 của thành phố mãi làm việc với vị trí nhân viên hợp đồng.
Vì sao nhân tài ở Đà Nẵng thôi việc?

Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) được Đà Nẵng triển khai từ năm 2006. Đến nay, 460 người tham gia đã tốt nghiệp, trong đó 375 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. 40 người xin thôi việc, chấp nhận đền bù cho thành phố.

Học xong không được bố trí công việc phù hợp

Cùng với nguồn nhân lực từ chính sách thu hút nhân tài, học viên đề án đã nhanh chóng bù lấp về chất và lượng cho bộ máy hành chính công. Đa số cơ quan đánh giá học viên năng động, có tư duy đổi mới, có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả tốt do được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, hiện có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức; 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý. Hơn 100 người sau tốt nghiệp đang làm việc dưới dạng hợp đồng. "40 nhân tài xin nghỉ việc đa số đang làm việc hợp đồng", ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực một cửa.

Số phận học viên đang làm việc dưới dạng hợp đồng cũng "lay lắt", vì theo quy định đơn vị hành chính phải chấm dứt với trường hợp hợp đồng. "Học viên có thể được chuyển về đơn vị sự nghiệp. Nhưng khi đó các bạn không được đóng góp vào công việc quản lý hành chính, không phù hợp với chuyên môn được học. Ngay cả khi về đơn vị sự nghiệp, các bạn cũng không chắc có biên chế để thi vào", một nữ học viên chuẩn bị thôi việc chia sẻ.

Vẫn theo người này, nếu chuyển học viên vào đơn vị sự nghiệp là không đúng với tinh thần của hợp đồng ban đầu - sẽ bố trí theo đúng nguyện vọng và ngành nghề của học viên. "Khi tuyển người vào đề án, phải có kế hoạch sử dụng họ sau khi tốt nghiệp, để chắc chắn họ có việc làm. Còn bây giờ học viên bị đẩy vào tình thế như vậy, muốn cống hiến cũng không được", cô nói.

Từ góc độ quản lý, ông Võ Ngọc Đồng chia sẻ, cái khó trong bố trí học viên đề án là có sự chồng chéo. Bởi song song với việc cho học viên đi đào tạo, thành phố cũng thu hút nhân tài vào làm việc, ở những vị trí thiếu hụt. Do đó có tình trạng học viên tốt nghiệp thì không còn nơi làm việc.

Lương hành chính thấp, không đủ sống

Một công chức sau khi tham gia đề án học lên thạc sĩ ở nước ngoài, về nước thì vị trí phó phòng trước đó đã có người khác làm. Với mức lương khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, anh cho biết phải tằn tiện chi tiêu. "Những học viên làm việc dạng hợp đồng, thu nhập còn thấp nữa", anh nói.

Để tồn tại trong môi trường hành chính, nhiều học viên ngày đi làm cơ quan nhà nước, tối đi dạy thêm. "Nhưng cứ tưởng tượng ngày nào cũng làm việc tám tiếng, tối về cày thêm chừng ba tiếng nữa thì không phải ai cũng đủ sức. Công việc chính ở cơ quan cũng không tập trung làm tốt được", một nữ học viên nói.

Đã ra khỏi đề án để theo học tiến sĩ, một người hiện công tác tại TP HCM cho biết, khoảng 10 năm trước, công chức không đặt nặng vấn đề thu nhập. Còn hiện tại, nhiều em đi học nước ngoài tiếp cận với môi trường, mức sống cao hơn, bạn bè cùng ngành nghề có thu nhập hấp dẫn, từ đó tâm lý bị ảnh hưởng.

Thấy được điều này, Đà Nẵng từng hỗ trợ thêm một triệu đồng mỗi tháng cho học viên. Nhưng sau đó không tiếp tục vì vướng quy định sử dụng tiền ngân sách. Nguồn hỗ trợ này sau đó bị cắt giảm, dù theo lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố có ngân sách để lo việc này.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng (tòa nhà hình tròn). 

Một số học viên lúng túng khi tiếp cận công việc hành chính

Từ năm 2004, Đà Nẵng bắt đầu cấp học bổng ngay từ bậc đại học. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được chọn để tìm kiếm học sinh xuất sắc. Những học sinh khi tham gia vào đề án được mặc định sẽ làm công chức khi ra trường.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nhưng do thiếu kiến thức tiền công vụ nên đa phần học viên đề án tốt nghiệp bậc đại học lúng túng trong bước đầu tiếp cận công việc hành chính, không phát huy được hết kiến thức, kỹ năng của mình, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Một số học viên không phát huy được chuyên môn năng lực với các lý do chủ yếu như: bố trí công tác chưa đúng chuyên ngành, sở trường; không thích nghi được môi trường làm việc hành chính; lãnh đạo thiếu sự tin tưởng, lắng nghe ý kiến; trang thiết bị làm việc không được trang bị đầy đủ; thiếu chủ động và không nhận được sự phối hợp từ đồng nghiệp.

Theo Sở Nội vụ, ngoài 40 nhân tài bỏ việc, trong 47 học viên vi phạm hợp đồng đề án có 19 người tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác, 5 trường hợp nhận công tác, nhưng không thực hiện đầy đủ thời gian làm việc 7 năm như hợp đồng.

"Nhiều người về thành phố làm việc 2-3 năm tâm sự với tôi rằng họ bị lụi nghề. Ngoại ngữ hay kiến thức hầu như không dùng đến vì suốt ngày làm công văn, giấy tờ. Môi trường làm việc thì tùy từng cơ quan và lãnh đạo. Những nơi lãnh đạo trẻ đa số tạo điều kiện, nhưng có đơn vị lãnh đạo khó khăn, học viên chưa có cơ hội thể hiện mình khiến không ít người ức chế", một học viên nói.

Kiến nghị giãn lộ trình hoàn tiền khi thôi việc

Câu chuyện kiện nhân tài vi phạm hợp đồng ở Đà Nẵng kéo dài nhiều năm nay. Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, hai năm trở lại đây, chiếu theo quy định của Nhà nước về việc đền bù tiền ngân sách, những học viên vi phạm phải bồi hoàn một lần. "Như trước đây họ nhận một tỷ, thì bây giờ chỉ phải bồi hoàn một tỷ đồng. Học phí các học viên đã nhận là tiền thuế của dân, nên phải bồi hoàn. Những người vi phạm hợp đồng vẫn được lợi vì đồng tiền đã trượt giá", ông Đồng nói.

Nhiều học viên mong muốn thành phố có lộ trình giãn việc bồi hoàn tiền khi học viên đã nghỉ, bên cạnh đó nên chuyển nhượng nhân tài từ khu vực hành chính công sang cho tư nhân. Như thế nhân tài vừa không vi phạm hợp đồng, vừa có thể cống hiến cho thành phố tốt hơn. Việc này cũng không phải chảy máu chất xám, vì học viên đó vẫn làm việc tại Đà Nẵng hoặc trong nước.

"Ở bên ngoài khu vực tư nhân rất nhiều đơn vị đang thiếu những ngành nghề mà học viên được đào tạo ở nước ngoài có thể làm ngay. Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng tìm kiếm nhân lực có ngoại ngữ tốt thì không có, phải tuyển người từ Hà Nội, TP HCM về với mức lương cao ngất ngưởng. Trong khi ở chính Đà Nẵng thì các học viên lại không được làm", một học viên nói.

Tin cùng chuyên mục