Vị thế quốc gia tạo đà cho doanh nghiệp lớn mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu về vị thế quốc gia trong chặng đường phát triển và hội nhập, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh bày tỏ sự tự hào về những bước tiến vững chắc của nền kinh tế trong cuộc chơi toàn cầu và tin tưởng về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Bộ KH&ĐT, MBS
Nguồn: Bộ KH&ĐT, MBS
TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam gắn liền với những cột mốc hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo ông, quá trình này đã mang lại những cơ hội và lợi ích gì cho nền kinh tế và vị thế quốc gia?

Tiến trình hội nhập của Việt Nam đã trải qua gần 30 năm với những bước tiến vững chắc. Từ bước đầu gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tiếp đó tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996 và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, giờ đây Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn dắt các khung khổ hội nhập và đưa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đến thành công. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, mang lại những lợi ích rõ nét cho nền kinh tế. Hội nhập mạnh mẽ cùng với việc thực thi các FTA giúp Việt Nam từ một nền kinh tế nhập siêu trong suốt nhiều thập niên đã cân bằng được cán cân thương mại, có thặng dư và liên tục xuất siêu trong cả giai đoạn 2016 - 2023.

Tính đến tháng 5 năm 2024, Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA với hơn 60 nền kinh tế lớn, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục lập kỷ lục mới về xuất siêu.

Thông qua việc ký kết và thực thi hiệu quả các FTA, Việt Nam thể hiện rất rõ quan điểm chủ động, tích cực trong hội nhập và mở cửa, khẳng định vai trò, hình ảnh, uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Việc tham gia bình đẳng vào hệ thống thương mại quốc tế cũng là cơ hội để chúng ta bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được đánh giá là có yêu cầu cao và thách thức lớn. Theo ông, hiệp định này đã mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là FTA đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau 4 năm thực thi, xuất khẩu sang châu Âu tăng vọt, từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên mức hơn 43 tỷ Euro vào năm 2023, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của EU trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, EVFTA góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thiết lập chuỗi cung ứng hiện đại và bền vững, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, EU đứng thứ 6 về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro. Điểm nhấn đáng chú ý khác từ việc tham gia EVFTA là quá trình Việt Nam chủ động cải cách thể chế để vừa đáp ứng các điều kiện cao, vừa tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định. Điều này thể hiện rõ qua việc sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều luật mới như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…

Với các tiêu chuẩn cao về xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn gì khi thực thi EVFTA, theo ông?

Ngoài những thuận lợi và cơ hội lớn, EVFTA cũng mang lại nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam bởi EU là thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và xuất xứ hàng hóa. Những tiêu chuẩn này được áp dụng với tất cả các nước, nhưng Việt Nam gặp thách thức lớn hơn do trình độ phát triển thấp hơn so với những đối tác đã có FTA với EU trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược phù hợp để nâng cao độ nhận diện tại thị trường EU. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về cơ hội và lợi thế từ EVFTA nên hạn chế trong việc tận dụng các ưu đãi để mở rộng thị trường và phát triển thương mại tại châu Âu.

Cần nhớ, EVFTA chỉ thành công nếu Việt Nam cùng EU thiết lập được các chuỗi cung ứng mới và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên. Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) khi đàm phán là một cấu phần của EVFTA, sau đó được tách ra phê chuẩn riêng, nhưng đến nay một số nước EU vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục trong nước và chưa thể đưa vào thực thi.

Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ông đánh giá như thế nào về kết quả 5 năm thực thi hiệp định này?

Lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP là mở cửa thị trường xuất nhập khẩu, góp phần đẩy mạnh thương mại với các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru. Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang 3 thị trường Canada, Mexico, Peru có kết quả rất tích cực, tốc độ tăng trưởng luôn trên hai chữ số, trên 20% trong 4 năm qua.

Tương tự với EVFTA, cùng với xuất nhập khẩu, CPTPP cũng giúp thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường pháp lý minh bạch, từ đó có tác động tích cực đối với doanh nghiệp. Về cơ bản, chúng ta đã sửa đổi và ban hành mới khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thực thi những quy định có hiệu lực ngay đối với CPTPP.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh cho công nghệ, đặc biệt hướng tới xanh hóa trong sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh cho công nghệ, đặc biệt hướng tới xanh hóa trong sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tiên Giang

Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành thường xuyên theo dõi, rà soát và phối hợp chặt chẽ với chủ thể liên quan để xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp lý phù hợp với cam kết trong các FTA, trong đó có CPTPP và điều ước quốc tế mà ta là thành viên.

Các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động rà soát, xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách do địa phương ban hành, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực thi CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp e ngại các tiêu chuẩn phức tạp, hoặc không chủ động tiếp cận thông tin thị trường ngay sau khi CPTPP đi vào thực thi. Điều này ảnh hưởng đến định hướng xuất khẩu sang thị trường các thành viên CPTPP.

Vậy cần thêm giải pháp gì nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn các lợi ích từ EVFTA và CPTPP trong thời gian tới?

Dù đã trải qua quá trình hội nhập kinh tế tương đối dài, song doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và đi sau trong kinh doanh quốc tế so với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, để gặt hái nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực từ doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Các bộ, ngành đã thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập bằng việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp lý, hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, với những vấn đề còn vướng mắc trong khai thác cam kết, ưu đãi từ các FTA, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp, quan trọng là xây dựng sự kết nối các chủ thể trong từng lĩnh vực cụ thể. Qua đó, cung cấp định hướng rõ ràng, giúp doanh nghiệp khai thác cơ hội thuận lợi.

Các bộ, ngành cần duy trì việc hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường các nước, cập nhật thị trường thường xuyên, từ đó đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu để hỗ trợ doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh và phát triển sản xuất phù hợp.

Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại những địa bàn trong khuôn khổ FTA cần đẩy mạnh phổ biến, giới thiệu về các hiệp định, cũng như ưu đãi, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam tới cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân sở tại thông qua hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội nghị, hội thảo chuyên ngành.

Cùng với chặng đường hội nhập của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng được học hỏi, va vấp, cải thiện năng lực cạnh tranh. Ông kỳ vọng gì ở chặng đường phát triển sắp tới của cộng đồng doanh nghiệp Việt?

Trong chặng đường đổi mới và hội nhập gần 4 thập kỷ qua, nhiều thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã hình thành, phát triển. Tuy nhiên, điểm hạn chế rõ rệt là cộng đồng này chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị hạn chế về nguồn lực để tận dụng cơ hội kinh doanh từ các FTA. Một số doanh nghiệp lớn nhưng chưa đủ mạnh theo nghĩa đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, tạo thương hiệu, tiên phong, dẫn dắt.

Tuy nhiên, điều đáng trân trọng là các thế hệ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chấp nhận cuộc chơi hội nhập, ấp ủ khát vọng chinh phục và vươn lên trên thị trường quốc tế. Mặt khác, hội nhập là quá trình bắt buộc, doanh nghiệp phải học hỏi để lớn lên. Đến nay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh cho công nghệ, đặc biệt hướng tới xanh hóa trong sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Vì thế, tôi tin tưởng vào khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, chắc chắn họ sẽ tiếp tục lớn mạnh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia.

Tin cùng chuyên mục