Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty CP Dệt may 7 đạt 403 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 10%, đạt 22,6 tỷ đồng. Ảnh: NC st |
Vị khách “sộp” Cục Quân nhu
Công ty CP Dệt may 7 tiền thân là Xí nghiệp Dệt Nhuộm P7 (tên thường gọi trong Quân đội là Xí nghiệp Quân trang Quân khu 7) thành lập vào tháng 2/1992. Kể từ khi chuyển đổi hình thức hoạt động thành công ty cổ phần (năm 2017) đến nay, vốn điều lệ của Công ty vẫn giữ nguyên là 154,1 tỷ đồng. Hiện Bộ Quốc phòng thông qua Công ty TNHH MTV Đông Hải vẫn là cổ đông nắm quyền chi phối tại Dệt may 7 với tỷ lệ 51%. Ngoài ra, Công ty còn có 3 cổ đông lớn khác, gồm: Công ty TNHH Việt Ân (nắm giữ 13%), Công ty TNHH Thành Vinh (13%) và Công ty TNHH QD&C (13%).
Thống kê sơ bộ từ hơn 50 gói thầu mà Dệt may 7 trúng thầu trong vòng 3 năm qua, những gói thầu do Cục Quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần làm chủ đầu tư là những gói thầu có giá trị lớn nhất mà Dệt may 7 trúng với cả tư cách nhà thầu độc lập và thành viên liên danh.
Có thể kể tên một số gói thầu cung cấp trang phục có quy mô “khủng” mà nhà thầu này góp mặt trong 3 năm qua là: Gói thầu số 1 Mua sắm lễ phục, quân phục và một số mặt hàng quân trang bảo đảm cho miền Bắc thuộc Dự toán Kế hoạch tạo nguồn hàng quân nhu lần 2 năm 2018 do Cục Quân nhu là chủ đầu tư. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu công bố ngày 15/10/2018, Liên danh Công ty CP X20 - Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 - Công ty CP Dệt may 7 - Công ty CP 22 - Công ty CP 26 - Công ty TNHH MTV Cơ khí 17 được chỉ định thầu thực hiện gói thầu này với giá 218,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Dệt may 7 còn được chỉ định thực hiện nhiều gói thầu cung cấp trang phục khác do Cục Quân nhu là chủ đầu tư, trong đó có 2 gói thầu lớn cùng thuộc Dự án Kế hoạch tạo nguồn vật chất quân nhu gối 2019. Đó là: Gói thầu số 1 Mua sắm quân trang bảo đảm cho miền Bắc, và Gói thầu số 2 Mua sắm quân trang bảo đảm cho miền Nam với giá trúng thầu lần lượt là 194,2 tỷ đồng và 166 tỷ đồng. Đồng hành cùng Dệt may 7 tại các gói thầu này còn có Công ty CP X20, Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28, Công ty CP 22, Công ty CP 26.
Còn trong vai trò nhà thầu độc lập, một trong những gói thầu lớn mà Dệt may 7 được Cục Quân nhu chỉ định thực hiện là Gói thầu số 1 Mua sắm nguyên liệu vải chính may quân phục dã chiến, quy mô 92,6 tỷ đồng.
Tính riêng trong 9 tháng năm 2019, Dệt may 7 đã trúng 9 gói thầu do Cục Quân nhu làm chủ đầu tư với tổng giá trị 181 tỷ đồng, đều với tư cách nhà thầu độc lập. Còn trong năm 2018, tổng giá trị trúng thầu của Dệt may 7 tại Cục Quân nhu là 1.250 tỷ đồng.
Dù các gói thầu Dệt may 7 có được nhờ đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu… thì một điều không thể phủ nhận là doanh thu của Dệt may 7 có sự đóng góp rất lớn của Cục Quân nhu.
Góp phần không nhỏ vào giá trị trúng thầu của Dệt may 7 trong 3 năm qua còn có các gói thầu cung cấp nhà bạt cứu sinh thuộc Dự án Mua sắm hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm chủ đầu tư. Cụ thể, vào quý IV/2017, Dệt may 7 được lựa chọn thực hiện 6 gói thầu cung cấp nhà bạt cứu sinh có tổng giá trị 78,4 tỷ đồng. Các gói thầu này đều được đấu thầu rộng rãi trong nước.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
Doanh thu duy trì ổn định
Kể từ khi cổ phần hóa, doanh thu và lợi nhuận của Dệt may 7 luôn được duy trì khá ổn định.
Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty đạt 403 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng trưởng 10%, đạt 22,6 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập trên một cổ phần (EPS) 6 tháng của Dệt may 7 đạt 1.473 đồng. Năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 764 tỷ đồng và 53,7 tỷ đồng.
Một điều đáng lưu ý, Công ty luôn nhận được một khoản tiền trả trước lớn từ các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cụ thể, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn luôn chiếm từ 50 - 57% tổng nợ phải trả của Công ty. Điều này cũng giúp Dệt may 7 là một nhà thầu không vay nợ và có tình hình tài chính vô cùng sáng sủa.