Viện phí đồng loạt tăng giá: Bệnh nhân lo lắng, bác sĩ trăn trở

Ngày 1/3, các bệnh viện (BV) đồng loạt điều chỉnh giá đối với 1.887 dịch vụ y tế áp dụng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Với thay đổi này, bệnh nhân lo lắng, bác sĩ trăn trở.
Viện phí đồng loạt tăng giá: Bệnh nhân lo lắng, bác sĩ trăn trở

Nhiều lãnh đạo BV cho rằng, đây chính là thời điểm buộc các BV phải tự chủ tài chính và bắt đầu cuộc cạnh tranh với nhau.

Người bệnh lo

Sáng 1/3, ngày đầu tiên thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng không nhiều bệnh nhân biết thông tin này. Tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), bà Chu Thị Dần (Thái Bình), bệnh nhân chạy thận 9 năm nay nói không hề biết việc tăng giá. Bà Dần lo lắng: “Tôi được BHYT chi trả 95% viện phí, chỉ đồng chi trả 5%, tương đương khoảng 430.000 đồng.

Lương hưu tôi chỉ 1,9 triệu, nếu mức đồng chi trả tăng lên cuộc sống của tôi sẽ khó khăn vì phải thuê nhà ở gần bệnh viện để tiện cho việc chạy thận nhân tạo. Việc bán nước chè cũng bữa được bữa không nên giờ sẽ vất vả hơn”.

Ông Ong Thế Thúy (Bắc Giang), người được BHYT chi trả 80% viện phí cho biết, đã nghe thông tin về việc tăng giá viện phí. “Tôi hy vọng tăng giá viện phí thì chất lượng sẽ tăng. Sắp tới tôi sẽ mổ ở bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ có tư vấn sẽ hết vài triệu, đến hôm nay xem bảng giá thì thấy 5 triệu đồng. Mong chất lượng điều trị và thái độ của cán bộ sẽ thay đổi nhiều hơn”, ông Thúy chia sẻ.

Tại TPHCM, một người từ Đắk Lắk đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, chị cũng lo không biết giá viện phí tăng nhưng lo hơn lại là những chi phí ngoài viện phí như ăn uống, đi lại đối với những bệnh nhân tỉnh xa không biết có tăng lên hay không?

Trong sáng 1/3, Sở Y tế TPHCM cho biết, đã giám sát 32 cơ sở trực thuộc về việc công khai bảng giá dịch vụ, thông tin cho người bệnh về thời gian thực hiện, không thu thêm chi phí đã tính trong giá. Tất cả cơ sở y tế đều tổ chức thông tin và công khai bảng giá.

Một số cơ sở y tế đã chuẩn bị tốt công khai bằng bảng điện tử, mica như Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Quận 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện quận Thủ Đức… Theo đánh giá chung của Sở, không ghi nhận những phản ứng mạnh từ bệnh nhân về tăng giá viện phí.

Nhiều bệnh nhân chưa từng mua BHYT chia sẻ, với mức viện phí tăng 30-50% như quy định mới, họ sẽ mua thẻ BHYT để giảm bớt gánh nặng.

Tự chủ và cạnh tranh

TS.Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc tăng giá theo lộ trình như hiện nay sẽ không gây xáo trộn đột ngột, đối tượng thu nhập vừa và thấp được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng giá do có BHYT.

Ông Hùng nói: “Chủ trương của bệnh viện là đảm bảo tốt nhất cho người bệnh, hiện có 18/25 khoa, trung tâm giải quyết tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Bệnh viện vừa hoàn thành công trình với 800 giường, điều đó đồng nghĩa với việc giảm tải và có phương án tốt nhất để người bệnh không phải nằm ghép trong 48 tiếng đồng hồ, như thế là nâng cao chất lượng phục vụ song hành với điều chỉnh giá dịch vụ y tế”.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) thừa nhận: “Tăng viện phí là tốt nhưng chúng tôi cũng có trăn trở. Đối tượng được hưởng 100% không ảnh hưởng. Bệnh nhân hưởng 80% không ảnh hưởng nhiều vì theo quyết định chi trả của BHYT nếu mức đóng của họ vượt quá 6 tháng lương cơ bản (tương đương 7 triệu) thì bệnh nhân sẽ không phải đồng chi trả nữa, nghĩa là đối tượng này không bị ảnh hưởng.

Cụ thể, trước kia họ đóng 6 tháng thì nay 3 tháng đủ rồi và 9 tháng kia không phải đóng nữa. Đối tượng thứ 3 là bệnh nhân hưởng 95%, đóng 5% cùng chi trả thì bị ảnh hưởng vì họ không bao giờ đóng đến mức trần 7 triệu. Vì thế, họ phải đóng thêm 1 năm khoảng 1 triệu đồng. Với bệnh nhân nghèo có ảnh hưởng nhưng tôi nghĩ mức đóng thêm không quá nhiều”.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Giá tăng nhưng về thực chất người bệnh sẽ được lợi. Trước hết là người bệnh được coi trọng, đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, bệnh viện là người phục vụ. Đồng thời, chất lượng khám chữa bệnh tăng, giá viện phí tiệm cận với giá thị trường nên đã được tính đúng, tính đủ các chi phí, người bệnh không phải trả thêm chi phí bên ngoài”.

“Tại khoa khám bệnh, trong hôm nay đã hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc thay đổi giá viện phí và không ghi nhận ý kiến thắc mắc”, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết. Theo ông Sơn, từ quý 4/2015, bệnh viện đã tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, xây dựng quy trình kỹ thuật mới và ra phác đồ điều trị mới, xây dựng gần 20 quy trình lâm sàng.

Năm 2016, sẽ xây dựng thêm 40-50 quy trình để chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe người bệnh. “Chúng tôi sẽ khảo sát thời gian chờ đợi của người bệnh. Tập trung khâu cải cách hành chính, bố trí thêm nhân lực để bảo đảm giảm thời gian chờ cho người bệnh. Khoa xét nghiệm nếu trễ hẹn trả kết quả phải xin lỗi người bệnh”, ông Sơn nói.

Trao đổi với phóng viên, đa số lãnh đạo các bệnh viện công tại TPHCM cho rằng, ngoài mục tiêu BHYT toàn dân, việc tăng giá buộc phải song hành với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ vì nó bắt đầu “cuộc chơi” tự chủ tài chính và cạnh tranh gắt gao của các bệnh viện.

Tương lai, sẽ áp dụng cho cả người chưa có BHYT

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), thời gian đầu, những người chưa có thẻ BHYT phải tự chi trả viện phí vẫn thực hiện theo mức giá cũ.

Tuy nhiên, trong tương lai, mức giá này cũng sẽ áp dụng cho cả người không có thẻ. Bộ Y tế mong muốn người dân tham gia BHYT, đặc biệt mua theo hộ gia đình để được giảm mức đóng. Bộ Y tế cho biết, tính bình quân của tất cả các dịch vụ thì mức giá thực hiện từ ngày 1/3 tới gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay.

Từ 1/7, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Tăng nhiều nhất là giá khám chữa bệnh và giá ngày giường.

Tin cùng chuyên mục