Để gắn đổi mới sáng tạo với xu thế kinh tế số hóa hiện nay, việc tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho những nhóm ngành thuộc kinh tế số hóa phát triển là hết sức cần thiết |
Nhiều người cho rằng, sự chuẩn bị cho việc đón bắt các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới của Việt Nam còn hạn chế. Theo giáo sư, chúng ta có nhất thiết phải đi tuần tự qua các cuộc cách mạng trước khi tiến vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hay không?
Thế giới đang đi rất nhanh, nhanh đến mức mà không một chuyên gia hàng đầu nào có thể tự tin đưa ra dự báo 1 - 2 năm nữa sẽ như thế nào. Mọi thứ đều đang được thử nghiệm, phát triển. Sau khi thử nghiệm, phát triển, nếu có tính ứng dụng, được cuộc sống chấp nhận thì ngay lập tức sẽ phát triển theo cấp số nhân.
Vì thế, chúng ta không nhất thiết phải đi tuần tự qua các cuộc cách mạng công nghiệp theo lối truyền thống. Một ví dụ điển hình trên thế giới về bắt nhịp nhanh với cuộc CMCN 4.0 là Singapore. Họ không tham gia vào công nghiệp 1.0 hay 2.0 mà trực tiếp đi thẳng vào và phát triển cách mạng công nghiệp 3.0 hay 4.0 một cách nhanh chóng. Vì sao họ làm được như vậy? Vì họ đã tranh thủ được kinh nghiệm quốc tế, các tri thức nhân loại có sẵn.
Tất nhiên, muốn làm được, ngoài việc tiếp thu tri thức nhân loại của doanh nghiệp (DN), ở góc độ quản lý vĩ mô, phải không ngừng đổi mới và tạo dựng môi trường kinh doanh cho sáng tạo, khởi nghiệp.
Nhìn lại nền kinh tế năm 2017 có sự khởi sắc, đặc biệt trong khối DN, nhất là các DN tư nhân. Nhiều DN đã chuyển mình, tiếp cận các xu thế mới của kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế số hóa.
Kết quả đó đến từ sự đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ của Chính phủ. Với những đánh giá khách quan của các tổ chức kinh tế thế giới thì môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn. Đây là điều chúng ta cần tiếp tục thực hiện trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo. Cá nhân tôi tham gia nhiều diễn đàn và hội thảo quốc tế cũng cảm nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi họ mong muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về thị trường Việt Nam bởi chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận với thế giới, ngược lại cũng là cơ hội để DN nước ngoài hiểu rõ hơn về Việt Nam.
Tuy nhiên, muốn gắn đổi mới sáng tạo với xu thế kinh tế số hóa hiện nay cộng với xu thế kinh tế tri thức, thì việc tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho những nhóm ngành thuộc kinh tế số hóa phát triển là hết sức cần thiết, cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, chúng ta phải có đối thoại thường xuyên giữa 3 chủ thể quan trọng của nền kinh tế là: Những nhà hoạch định chính sách, DN và các trường đại học - trung tâm nghiên cứu. Bởi đây là 3 chủ thể quyết định đổi mới sáng tạo sẽ đi theo hướng nào, hướng nào thì bền vững, hướng nào giúp tăng trưởng nhanh và giúp chúng ta hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới.
Thực tế cho thấy, hội nhập đưa đến những bài toán hết sức phức tạp về cạnh tranh. Do đó, 3 chủ thể này như một thí nghiệm phải thường xuyên trao đổi lựa chọn chính sách để cùng nhau phát triển bền vững.
Có lẽ chúng ta đã tạo ra được trào lưu đổi mới sáng tạo và chỉ ra rằng chính đổi mới sáng tạo là cơ sở để Việt Nam phát huy được thế mạnh của kinh tế số hóa, tiếp cận được với những thay đổi nhanh của CMCN 4.0.
Nhiều chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 đặt ra những bài toán mới với nhiều quốc gia, ngay cả đối với các nước phát triển hàng đầu. Do đó, CMCN 4.0 cũng là cơ hội để chúng ta bước chân vào đây, chúng không yêu cầu phải có điều kiện tiền đề mà là sự nghiên cứu bắt kịp và hòa nhập với xu thế kinh tế thế giới mới, trong đó tri thức và công nghệ là hàng đầu. Tri thức và công nghệ được thể hiện qua trình độ của con người có khả năng nắm bắt thay đổi về công nghệ, có khả năng sáng tạo công nghệ mới.
Tuy nhiên, thành công không phải là điều dễ dàng, thưa giáo sư?
Chính xác, khởi nghiệp muốn thành công trước mắt phải có nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải công nhận rằng, không phải bất kỳ ý tưởng đổi mới sáng tạo nào cũng phục vụ ngay cho đời sống. Chúng ta phải có văn hóa chấp nhận rủi ro, chấp nhận cái mới và chấp nhận có một thời điểm nào đó chưa thành công. Điều này có thể phải là một văn hóa, không thể vừa thất bại mà đã dừng ngay sáng tạo, khởi nghiệp.
Ông có cảm thấy sốt ruột khi những thành tựu chúng ta đạt được từ việc tranh thủ CMCN 4.0 đến thời điểm này vẫn còn hạn chế?
Tôi không nóng vội. Bởi chúng ta đang bắt đầu thực hiện một chính sách mới. Lực lượng sáng tạo cũng là lực lượng mới. Đến thời điểm này, chúng ta đã tạo ra được sự quan tâm trong xã hội về đổi mới sáng tạo. Chúng ta đã đặt ra được những nền móng bước đầu, tới đây chúng ta phải trao đổi về những vấn đề này nhiều hơn, cởi mở hơn với quốc tế và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo quốc tế nhằm có sự giao thoa về kinh nghiệm, từ đó giúp các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến những ý tưởng sáng tạo với công nghệ.
Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể có những starup về công nghệ mang tầm cỡ thế giới trong thời gian không xa. Nền tảng để tôi có niềm tin đó chính là con người Việt Nam rất thông minh, luôn có sự sáng tạo nên rất cần một môi trường tốt để phát huy. Khi có môi trường tốt, thông thoáng với khung pháp lý đồng bộ, kích thích sáng tạo thì những ý tưởng đổi mới sáng tạo chắc chắn trở thành hiện thực. Thực tế trong lĩnh vực công nghệ đã có nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới là người Việt làm việc tại những trung tâm lớn với những phát minh tầm cỡ.