Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, ngành dược phẩm tiếp tục thu hút đầu tư trong thời gian tới, trong đó có xu hướng M&A. Với quy mô thị trường 100 triệu dân, đồng thời là thị trường "bắc cầu" sang các khu vực lân cận, Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng thu hút đầu tư, nâng cấp ngành công nghiệp dược trong nước để tăng tính tự chủ, từng bước làm chủ công nghệ, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu.
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực với khả năng xuất khẩu dược phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN. Ảnh minh họa
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực với khả năng xuất khẩu dược phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN. Ảnh minh họa

Dòng tiền mạnh đang “đổ bộ” vào dược phẩm…

Báo cáo Các xu hướng M&A toàn cầu (được thực hiện 6 tháng một lần) vừa được PwC công bố cho thấy, khối lượng và giá trị M&A toàn cầu đã giảm trong nửa đầu năm 2023 lần lượt là 8% và 15% so với nửa cuối năm 2022. So với nửa đầu năm 2022, mức giảm lần lượt là 14% và 40%. Trong bối cảnh "ảm đạm" đó, dược phẩm vẫn là một trong những lĩnh vực tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư và được dự báo sẽ tiếp tục "sáng sủa" trong nửa cuối năm 2023 cũng như trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia PwC, hầu hết các công ty sẽ tìm cách thực hiện chiến lược M&A tập trung vào việc mua lại nhiều công ty vừa và nhỏ hơn (trong phạm vi giá trị từ 5 - 15 tỷ USD). Dòng tiền mạnh có thể sẽ khiến các lĩnh vực này trở thành khoản đầu tư hấp dẫn vào năm 2023, với sự cạnh tranh dành cho các công ty có khả năng trị liệu bằng mRNA hoặc tế bào và gen tiếp tục khốc liệt.

"Hoạt động M&A trong ngành y tế sẽ tăng tốc vào nửa cuối năm 2023 khi khoảng cách định giá giữa người mua và người bán bắt đầu thu hẹp và các công ty theo đuổi các giải pháp công nghệ tiên tiến và hỗ trợ AI để đáp ứng chiến lược và hoạt động của họ thử thách. Các nhà giao dịch nên chuẩn bị cho nửa cuối năm 2023 năng động hơn", các chuyên gia của PwC khuyến nghị.

Trước đó, tại Báo cáo đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam, KPMG đánh giá, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực với khả năng xuất khẩu dược phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN.

Một trong 4 xu hướng chính sẽ định hình thị trường dược phẩm trong giai đoạn tới được Vietnam Report chỉ ra là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành dược phẩm đã vượt qua thách thức lớn nhất mà Covid-19 đặt ra, thể hiện qua sự đổi mới nhanh chóng và các công nghệ mới được phát triển trong thời kỳ khủng hoảng - chẳng hạn như vắc xin dựa trên mRNA. Bên cạnh đó, 3 chiến lược mà doanh nghiệp dược dự kiến sẽ tập trung trong giai đoạn tiếp theo là nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo kỳ vọng của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), năm 2023, doanh thu ngành dược Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD). Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 được Vinapharm đặt ra tại Hội đồng Đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào cuối tháng 6 vừa qua là 5.917,8 tỷ đồng doanh thu và 334,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 104,3% và 253,6% thực hiện năm 2022. Ngoài ra, Vinapharm đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng 37 nhãn hiệu hàng hóa của Công ty CP Dược phẩm Sanofi - Synthelab Việt Nam trị giá 75,4 tỷ đồng sang Sanofi Việt Nam và Tập đoàn Sanofi (Pháp).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

… và sự chuẩn bị cần thiết của Việt Nam để đón dòng đầu tư

Tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.

Theo Dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030. Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp có chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có ngành công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); cũng như xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách.

Theo ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group, Chương trình hành động cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Đồng thời, việc phát triển Ngành phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới.

"Để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, chìa khóa để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn", ông Emin Turan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045. Theo chia sẻ của GS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, phiên bản Dự thảo Chiến lược được công bố ngày 29/3/2023 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được...

Góp ý cho Dự thảo Chiến lược, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành dược cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, sản xuất những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc hiếm, thuốc phát minh… Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các dạng bào chế thuốc hiện đại, Nhà nước cần có chính sách đột phá về thể chế.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Bidiphar, việc đầu tư một nhà máy/dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương hay mua bản quyền công nghệ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong dài hạn nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Để tìm ra động lực và hướng đi mới cho sự phát triển của ngành dược, Hội thảo Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành dược do Báo Đầu tư tổ chức tới đây (ngày 20/7) sẽ tập trung thảo luận, phân tích sâu về thực trạng của ngành y dược cũng như những bài học kinh nghiệm của các nước.

Tin cùng chuyên mục