Quang cảnh Diễn đàn VDF 2017. Ảnh: Lê Tiên |
Không tăng năng suất sẽ tụt hậu
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần về trung và dài hạn, từ tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% của giai đoạn 1990-2000, xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011-2016.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì Việt Nam khó thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong cùng khu vực. Ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010. Trong điều kiện các động lực phát triển kinh tế theo chiều rộng của Việt Nam đã tới hạn, tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng phụ thuộc chủ yếu vào tăng năng suất lao động. Ông Cung chỉ ra rằng, từ năm 2018 để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP là 7%/năm thì năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác.
Những năm gần đây, tốc độ tăng năng suất sau khi giảm xuống đến mức thấp nhất, 3,8% năm 2013 đã tăng lên cao nhất là 6,5% năm 2015 nhưng do tốc độ tham gia của lực lượng lao động giảm rõ rệt nên tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ giữ được ở mức vừa phải. Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động ngày càng phải tăng cao hơn nữa để có thể nâng cao tốc độ tăng GDP.
Ngoài ra, so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất. cụ thể, theo số liệu năng suất lao động năm 2016, năng suất lao động của Singapore gấp 15 lần so với Việt Nam, còn Malaysia gấp 6 lần.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong từng lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả, như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối. Nhưng ngoài việc nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị cũng là một yếu tố tố quan trọng để cải thiện năng suất. Một lần nữa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ rõ ràng – chuyển đổi từ mô hình truyền thống là “lúa gạo – trồng cây ăn trái – nuôi tôm” sang một cơ cấu sản xuất có giá trị cao hơn là “nuôi tôm – trồng cây ăn trái – lúa gạo”. Liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó nâng cao năng suất.
Ông Cung cũng cho rằng còn rất nhiều dư địa để gia tăng năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới thông qua khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Khu vực này đang dần lớn mạnh với số doanh nghiệp, số vốn thành lập tăng, hoạt động hiệu quả hơn khu vực DNNN. Trong thời gian gần đây, tốc độ tăng giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân đã tăng từ 8,42% năm 2015 lên 11,4% năm 2016, cao nhất trong các khu vực kinh tế, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP từ 7,4% năm 2015 lên 7,8% GDP năm 2016. Ngoài ra, Việt Nam có thể thúc đẩy năng suất và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa xuất khẩu qua khai thác tốt hơn trên cả khía cạnh nâng cao đóng góp của khu vực FDI trong thúc đẩy năng suất và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa xuất khẩu.
Thủ tướng cho biết nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm với việc tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. Đặc biệt là phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp, tranh thủ các cơ hội tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0 để từng bước phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, hướng tới năng suất, hiệu quả cao hơn.