Việt Nam - Đích đến hấp dẫn của nhà đầu tư Nhật Bản

(BĐT) - Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 4/3, có tới 65,3% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam làm ăn có lãi và 69,8% cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cao hơn Malaysia (54%), Thái Lan (52,2%), Trung Quốc (48,7%)... 
65,3% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam làm ăn có lãi. Ảnh: Lê Tiên
65,3% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam làm ăn có lãi. Ảnh: Lê Tiên

Điều này cho thấy sự kỳ vọng của các DN, nhà đầu tư Nhật Bản vào triển vọng tăng trưởng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng mạnh

Lý giải nguyên nhân khiến DN Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư, ông Kitagawa Hironobu - Trưởng VPĐD JETRO tại Hà Nội - cho rằng, đó là do hoạt động đầu tư kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam có lãi, kỳ vọng vào khả năng tiếp tục có sự tăng trưởng doanh thu. Việt Nam còn có một số điều kiện thuận lợi khác như: chi phí nhân công vẫn còn rẻ; tỷ lệ mua nguyên liệu, linh phụ kiện trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam có mức tăng cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong năm qua, 4/5 hạng mục đã được cải thiện đáng kể như thời gian làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất khẩu...

Dự báo về xu hướng đầu tư của các DN Nhật Bản trong thời gian tới, ông Kitagawa Hironobu cho biết, có đến 58,7% DN Nhật Bản ước tính lợi nhuận kinh doanh trong năm 2019 sẽ tiếp tục cải thiện. Lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhiều nhất là dịch vụ. Thực tế, ở Nhật Bản, lĩnh vực dịch vụ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội thu hút lĩnh vực này của các nhà đầu tư Nhật Bản.

“Ngoài ra, trong tuần qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Qua phương tiện truyền thông, hình ảnh và sức hấp dẫn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ có sự lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới”, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội tin tưởng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, các DN Nhật Bản vẫn phàn nàn về “sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, ảnh hưởng tới thực thi; quy chế vận hành thiếu rõ ràng. Chẳng hạn như, Quỹ Phòng, chống thiên tai (phương thức và căn cứ tính số tiền nộp), quy chế rác thải… còn thiếu minh bạch. “Các DN Nhật Bản không biết những quỹ này được sử dụng thế nào, dựa trên điều kiện gì để thu?”, đại diện JETRO nêu.

Bên cạnh đó, cơ chế thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên có sự thay đổi, nhất là thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng, đang có nhiều vấn đề bất cập.

Hiện Việt Nam chưa có chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. “Hầu hết các DN Nhật Bản chưa hiểu chính sách bảo hộ ngành sản xuất ô tô của Việt Nam được xây dựng theo hướng nào. Do đó, các DN Nhật Bản rất khó lên kế hoạch đầu tư. Đa số DN mong muốn được giải thích rõ hơn về chính sách này”. 

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI

Đánh giá cao kết quả khảo sát này của JETRO, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, những số liệu và thông tin này cho thấy rất rõ tình hình sức khỏe của các dự án đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ sự thay đổi của các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong năm qua đã có hiệu quả đối với hoạt động của DN Nhật Bản. Bằng chứng là số lượng DN làm ăn có lãi tăng lên, chiếm tới hơn 65% số DN là rất lạc quan so với tỷ lệ 52% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam báo lỗ.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng đồng tình với những nhận xét của DN Nhật Bản về những bất cập của một số chính sách hiện nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm rõ và cung cấp thông tin cụ thể cho DN, cũng như có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách kịp thời để đảm bảo DN Nhật Bản đầu tư kinh doanh thuận lợi và hiệu quả nhất.

Để tạo thuận lợi cho các DN Nhật Bản cũng như DN FDI nói chung, ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất.

Trước hết, Chính phủ cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, làm cho các thủ tục này dễ hiểu hơn. Để khắc phục điều này, Chính phủ cần có nhiều nỗ lực, truyền đi những thông tin chính xác và chuẩn hóa ngôn ngữ để tăng thêm sự quan tâm và hiểu biết của DN. Chính phủ càng cố gắng, nỗ lực trong việc lắng nghe, thực hiện chỉn chu, tăng cường đối thoại với DN... thì Việt Nam sẽ thăng hạng nhanh hơn trên bản đồ đầu tư.

Để khai thác tối đa những tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do, trước tiên, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền về những ích lợi mang lại cũng như xác định rõ những ngành, lĩnh vực nào có thể phát huy tốt nhất thế mạnh của Việt Nam.