Với thành công trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang được đánh giá là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là những chia sẻ của ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản diễn ra mới đây.
Dưới góc nhìn của các DN Nhật Bản, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam có những ưu điểm và nhược điểm như thế nào, thưa ông?
Lợi thế lớn nhất của Việt Nam hiện nay là đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, trong khi nhiều nước trên thế giới đang phải đối phó rất khó khăn. Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước trên thế giới được các định chế tài chính quốc tế dự báo đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Ông Takeo Nakajima |
Tiếp đó, Việt Nam có nguồn nhân lực đồi dào, chăm chỉ, thành thạo hoạt động chế tạo, giỏi về IT (công nghệ thông tin) và có nhiều người biết nói tiếng Nhật. Chi phí đầu vào thấp hơn so với các nước trong khu vực, mặc dù có tăng trong những năm gần đây.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm lắng nghe mong muốn và nguyện vọng của DN Nhật Bản. Trong những trường hợp cần thiết, Chính phủ Việt Nam sẽ điều chỉnh, sửa đổi chính sách để phù hợp hơn với các DN.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số nhược điểm cần khắc phục và cải thiện hơn nữa. Trước tiên là sự chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng nguồn nhân lực tốt, cạnh tranh. Hiện các DN đang phải cạnh tranh lẫn nhau để tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ hai là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, nên đa số DN Nhật Bản phải nhập khẩu từ nước ngoài. Khi dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu. Cho nên, trong thời gian tới, Việt Nam cần phát triển nhanh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN Nhật Bản.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của DN Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay?
Kết quả khảo sát nhanh về phát triển kinh doanh của JETRO thực hiện từ 18 - 24/6/2020 cho thấy, dịch bệnh Covid-19 có tác động rất lớn đến DN Nhật Bản. 96% DN cho biết dịch bệnh có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, chỉ có 3% trả lời là không chịu tác động.
Về doanh số, 65% các công ty có doanh số bán hàng giảm, 13% công ty có xu hướng tăng, còn lại là không có biến động. Trong số các công ty có doanh số bán hàng giảm, 20% công ty trả lời là có doanh thu bằng 0 hoặc âm. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Văn phòng JETRO tại Mỹ, 60% DN Nhật Bản trả lời là có tăng trưởng doanh thu bằng 0 hoặc âm. Như vậy, so với các nước khác, tỷ lệ DN Nhật Bản tại Việt Nam tăng trưởng âm thấp hơn.
Dự báo về thời điểm phục hồi kinh tế của Việt Nam, 40% DN cho rằng Việt Nam sẽ phục hồi trong năm nay.
Ông dự báo như thế nào về triển vọng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian tới?
Kết quả khảo sát của JETRO cũng cho thấy, 9% DN trả lời là đang xem xét việc di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam, 4% DN đang xem xét di chuyển cơ sở sản xuất từ các nước khác ngoài Trung Quốc vào Việt Nam.
Do đó, trong ngắn hạn, chúng ta chưa thể nghĩ tới việc sẽ có làn sóng đầu tư lớn, ồ ạt của các DN Nhật Bản vào Việt Nam bởi việc đi lại, giao thương đang bị giới hạn do ảnh hưởng của Covid-19. Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, rất cần ý chí quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiến trình cách mạng số hóa, cải cách thủ tục hành chính, ngành công nghiệp được Chính phủ khuyến khích đầu tư cũng phù hợp với thế mạnh của DN Nhật Bản...
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi tin chắc rằng hợp tác đầu tư giữa hai nước sẽ hồi phục trở lại. Làn sóng đầu tư đầu tiên sau dịch có thế dự đoán là mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, họ có nhu cầu tìm kiếm khu công nghiệp và cơ sở sản xuất tại địa phương chứ không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như trước đây. Hiện JETRO tại Việt Nam có 1.974 DN hội viên. Hầu hết DN lớn của Nhật Bản đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Thứ hai là làn sóng đầu tư của các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản. Trong đó có thể phân ra thành ba nhóm. Một nhóm sang Việt Nam để sản xuất và cung cấp nguyên liệu, phụ tùng cho những DN lớn của Nhật Bản. Một nhóm nữa là các DN nhỏ và vừa muốn triển khai hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam. Nhóm thứ ba là các DN Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam để hướng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc... hoặc bán ngay tại thị trường Việt Nam - thị trường được đánh giá sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.