Việt Nam, Hoa Kỳ trao đổi thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông

Trong khuôn khổ các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 tại New York (Hoa Kỳ), sáng 22/9 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken. 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken. (Ảnh: Nguyễn Hữu Hoàng/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken. (Ảnh: Nguyễn Hữu Hoàng/TTXVN)

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi các biện pháp nhằm triển khai các kết quả của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác phát triển (kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-y tế, nhân đạo, khoa học-công nghệ), chính trị, an ninh-quốc phòng… 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi và đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao nhằm thúc đẩy hơn nữa các mặt hợp tác mà hai bên cùng quan tâm trên cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, đồng thời giảm thiểu các khác biệt giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Ông Antony Blinken bày tỏ vui mừng về tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, cho rằng hai bên cần tận dụng đà quan hệ tích cực, tiếp tục phát huy đối thoại và trao đổi đoàn các cấp để tăng cường hợp tác thực chất, đặc biệt trong việc thông qua Hiệp định TPP, thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, chống biến đổi khí hậu, an ninh-quốc phòng… và xử lý các vấn đề còn tồn tại và khác biệt. 

Hai bên chia sẻ đánh giá về tình hình chính trị-an ninh tại khu vực, trong đó có các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để duy trì hòa bình, ổn định, anh ninh, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực Biển Đông./.