Ảnh minh họa |
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước tháng 12/2015 đạt 13,73 tỷ USD; giảm nhẹ 1,1% so với tháng trước.
Kết quả đạt được đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 lên 162,11 tỷ USD; tăng 7,9% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của khối FDI đạt 110,59 tỷ USD; tăng 17,7% so với năm trước.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2015, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt 30,17 tỷ USD; tăng 27,9% so với năm 2014. Hàng dệt may đứng ở vị trí thứ 2 với kim ngạch đạt 22,8 tỷ USD; tăng 9,1% so với năm trước.
Theo sau đó là các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,6 tỷ USD, tăng 36,5%; giày dép các loại đạt 12 tỷ USD, tăng 16,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 8,16 tỷ USD, tăng 11,7%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7%; hàng thủy sản đạt 6,57 tỷ USD, tăng 16%...
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước tháng 12 đạt 14,3 tỷ USD; tăng 4,9% so với tháng trước.
Tính chung cả năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 165,65 tỷ USD; tăng 12% so với năm 2014. Trong đó, nhập khẩu của khối FDI đạt 97,26 tỷ USD; tăng 15,5% so với năm trước.
Về phía các mặt hàng nhập khẩu chính năm 2015, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác dẫn đầu với 27,6 tỷ USD; tăng 23,1%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 23,12 tỷ USD, tăng 23,4%.
Tiếp theo là các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 24,8%; vải các loại đạt 10,15 tỷ USD, tăng 7,8%; sắt thép các loại đạt 7,5 tỷ USD, giảm 2,9%; chất dẻo nguyên liệu đạt 5,96 tỷ USD, giảm 5,7%; xăng dầu các loại đạt 5,34 tỷ USD, giảm 29,1%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 5 tỷ USD, tăng 6,7%...
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Tính riêng tháng 12/2015 cả nước nhập siêu khoảng 570 triệu USD; thâm hụt thương mại cả năm 2015 ước đạt 3,54 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu.
Con số này cũng khá trùng khớp với số liệu mà Tổng cục thống kê công bố trước đó là cán cân thương mại của Việt Nam nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD.
Như vậy, sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm nay Việt Nam đã nhập siêu trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhập siêu xuất phát từ nhu cầu sản xuất khi các doanh nghiệp nhập máy móc, thiết bị phụ tùng. Do đó, nhập siêu này không đáng ngại và xét ở một khía cạnh nào đó, nhập siêu còn mang ý nghĩa tích cực, có lợi cho nền kinh tế.