Thông tin tới các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Diễn đàn quốc tế này, Thủ tướng cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có 21.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 290 tỷ USD, đến từ trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 85% số dự án và 90% số vốn là đến từ các quốc gia, đối tác thuộc Diễn đàn Hợp tác Á- Âu (ASEM). Việt Nam có 19/25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện thuộc khối ASEM, chiếm 70% đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, và 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam đã ký và đang đàm phán 16 các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có 14 FTA là quan hệ với các đối tác ASEM.
Tháng 6/2015, Việt Nam đã ký Hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, có sự tham gia của Nga và 4 nước thành viên… “Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Á-Âu và cam kết tiếp tục đóng góp xây dựngquan hệ hợp tác toàn diện trong ASEM vì sự phát triển bền vững”- Thủ tướng cho biết.
Cũng tại Diễn đàn này, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong tiến trình hợp tác liên châu lục Á – Âu bởi các doanh nghiệp sẽ là động lực phát triển của các nền kinh tế. Theo đó, Thủ tướng mong muốn: “Tôi mong muốn các nhà lãnh đạo chúng ta chú ý tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ vừa là nơi tạo nhiều việc làm cho người dân; sáng tạo, linh hoạt trong đầu tư, kinh doanh; nhưng các doanh nghiệp SME cũng dễ bị tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội. Chính vì thế các doanh nghiệp SMEcần nhận được sự hỗ trợ trong tiến trình hội nhập của các nền kinh tế thành viên Á-Âu và mở ra cơ hội để các SME tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.
AEBF một thành tố quan trọng trong trụ cột kinh tế của ASEM, đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai khu vực Á-Âu. Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu chính là kênh trao đổi duy nhất giữa các nhà lãnh đạo Á-Âu với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai châu lục trong những năm gần đây.