Việt Nam cũng là một trong số 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng trên 6% trong năm nay, bên cạnh Ấn Độ (7,3%), Tanzania (7,2%), Trung Quốc (6,95%), Uganda (6,85%), và Dominica (6,35%). |
Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế mới nổi (emerging) đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2015, hãng tin Bloomberg cho biết.
Thống kê cuối cùng về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 đến thời điểm này còn chưa được đưa ra, nhưng có thể nói năm nay lại là một năm đáng thất vọng nữa của tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế thế giới vẫn ì ạch bất chấp các ngân hàng trung ương duy trì bơm thanh khoản, giá dầu sụt giảm mạnh, và lạm phát ở mức thấp.
Trong bức tranh kém tươi sáng của kinh tế toàn cầu nói chung, vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng chú ý.
Trong khi giá hàng hóa cơ bản lao dốc khiến hàng loạt nền kinh tế mới nổi hàng đầu điêu đứng, một số nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ và Việt Nam gây bất ngờ khi đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, Bloomberg cho biết.
Theo số liệu mà Bloomberg đưa ra, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,27% trong năm nay, cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.
Việt Nam cũng là một trong số 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng trên 6% trong năm nay, bên cạnh Ấn Độ (7,3%), Tanzania (7,2%), Trung Quốc (6,95%), Uganda (6,85%), và Dominica (6,35%).
Dù đợt sụt giảm chóng mặt vào mùa hè khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc “bốc hơi” lượng vốn hóa 5 nghìn tỷ USD và đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế nước này tăng xuống mức thấp nhất trong 25 năm, mức tăng trưởng này vẫn cao hơn so với nhiều nền kinh tế mới nổi khác.
Trong số những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng yếu nhất, hai cái tên nổi bật là Nga và Brazil.
Nga đang ở trong một cuộc suy thoái được dự báo là sẽ kéo dài nhất trong 2 thập kỷ, chủ yếu do giá dầu sụt giảm. Brazil gặp khó khăn do cả giá hàng hóa cơ bản lao dốc, bất ổn chính trị, bê bối tham nhũng và thâm hụt ngân sách cao. Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo kinh tế Brazil đang chìm vào một cuộc suy thoái sâu.
Kinh tế Venezuela dù đang trong tình trạng “thê thảm”, nhưng lại không xuất hiện trong nhóm những nền kinh tế “bết bát” nhất năm 2015 bởi Ngân hàng Trung ương nước này không công bố số liệu GDP.
Ở nhóm các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng việc làm mạnh mẽ tại Mỹ đã tạo cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Trái lại, tình hình tăng trưởng kinh tế và việc làm ở quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada lại xấu đi.
Các nước nhỏ hơn ở khu vực châu Âu là những nền kinh tế phát triển tăng trưởng tốt nhất năm nay. Kinh tế Ireland tăng 7% trong quý 3, mạnh hơn Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 1,6% của toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone nói chung.
Kinh tế Nhật Bản từng có lúc bị cho là đã rơi trở lại vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, số liệu điều chỉnh sau đó cho thấy nền kinh tế Nhật tăng trưởng trong quý 3 thay vì suy giảm như số liệu sơ bộ - đồng nghĩa với việc kinh tế nước này tránh được cuộc suy thoái thứ 2 trong vòng 3 năm. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Nhật nói chung đang trên đà hồi phục, dù vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tương tự như số liệu GDP, thống kê thất nghiệp toàn cầu cũng là một bức tranh đan xen.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất nằm ở những quốc gia như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Thái Lan hay Singapore.
Trong khi đó, Tây Âu vẫn là khu vực có mức thất nghiệp cao. Tỷ lệ thất nghiệp hai con số ở những quốc gia như Hy Lạp (25,21%) và Tây Ban Nha (22,44%) cho thấy những khó khăn lớn mà các nền kinh tế này tiếp tục phải vượt qua trong thời gian tới.