Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 7 đạt 29,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu là 14,9 tỷ USD và nhập khẩu 14,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa sau khi thâm hụt hơn 17 triệu USD ở tháng trước đã chuyển sang thặng dư 564 triệu USD trong tháng 7.
Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay trong khi doanh nghiệp nội lại ở vị thế nhập siêu lớn trên 9,8 tỷ USD.
Luỹ kế 7 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 191,6 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 96,9 tỷ USD, tăng 5,4% và nhập khẩu hơn 94,7 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2%.
Do đó, Việt Nam vẫn giữ được vị thế xuất siêu 2,25 tỷ USD. Trong đó, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay với 12 tỷ USD và khối các doanh nghiệp có vốn trong nước nhập siêu gần 9,8 tỷ USD.
Về hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam có 19 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có tới 9 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 19 nhóm hàng này là 81,4 tỷ USD, chiếm tới 84% giá trị xuất khẩu cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt giá trị cao nhất với khoảng 19,6 tỷ USD sang các thị trường chính là Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, EU. Hàng dệt may đạt kim ngạch khoảng 13,2 tỷ USD, xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, EU và Nhật Bản.
Việt Nam đã xuất khẩu ra thế giới gần 20 tỷ USD điện thoại và linh kiện trong 7 tháng đầu năm
Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 9,4 tỷ USD. Giày dép và dầu thô lần lượt đạt 7,4 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu dầu thô giảm tới 24,4% xuống 4,1 triệu tấn và thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Một số mặt hàng như gạo, cao su, cà phê giảm mạnh.
Tổng cục Hải quan cho biết nhập khẩu ở nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm mạnh trên 1 tỷ USD xuống còn 15,3 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các sản phẩm khác như sắt thép, xăng dầu, ôtô, nguyên phụ liệu dệt may,... cũng chung xu hướng giảm.
Với việc xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm lại, nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam nhiều khả năng sẽ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% như kế hoạch đặt ra đầu năm 2016.