Nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ và cao tốc thuộc khu vực miền Trung, miền Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng
Theo quyết định của Bộ GTVT, Dự án được thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng BOO). Lý giải việc thực hiện dự án theo hợp đồng BOO, Bộ GTVT cho rằng: Hệ thống thu phí tự động không dừng tích hợp giải pháp của nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hóa, thanh toán điện tử…, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực đầu tư công trình giao thông, hệ thống thu phí cũng như khả năng quản lý cùng lúc nhiều công việc, cùng quy trình, kỹ thuật quản lý hiện đại, linh hoạt.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị có thời kỳ khấu hao và vòng đời khai thác ngắn, đòi hỏi phải tiến hành nâng cấp, sửa chữa thường xuyên trong quá trình khai thác, cũng như nâng cấp lớn sau mỗi chu kỳ công nghệ, cùng với vòng đời thiết bị với chi phí rất lớn. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc bố trí ngân sách để đầu tư hệ thống, cũng như hàng năm bố trí ngân sách để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống trong thời gian dài là không khả thi.
Bộ GTVT đánh giá, việc VIETIN đề xuất đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOO là phù hợp với điều kiện thực tế và chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
VIETIN là ai?
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, VIETIN được thành lập từ tháng 4/2016. Hai cổ đông chính là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Công ty Đèo Cả. Vietinbank hiện cung cấp tín dụng cho gần một chục dự án BOT, BT giao thông và là ngân hàng có cam kết tài trợ vốn lớn nhất trong lĩnh vực này với trên 32.000 tỷ đồng. Cổ đông còn lại đang là nhà đầu tư tại siêu dự án Đèo Cả - Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, trong đó Vietinbank chính là ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án này, với số tiền cam kết đã công bố là hơn 5.400 tỷ đồng.
Hệ thống được kết nối với hệ thống thu phí tự động không dừng do Liên danh TASCO - VETC và các đơn vị khác đang đầu tư để đảm bảo một thẻ E-tag có thể đi qua tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc; đồng thời trung tâm Back-end của VIETIN có thể dự phòng cho trung tâm của TASCO - VETC và ngược lại để hạn chế tối đa chi phí đầu tư.
Tổng mức đầu tư dự kiến được duyệt là 2.122 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư phần thiết bị trung tâm dữ liệu (chưa bao gồm trung tâm dự phòng), trung tâm điều hành, thiết bị ETC tại trạm và các chi phí khác. Phần hạ tầng trạm thu phí như mặt đường, nhà điều hành, thiết bị thu phí một dừng và thiết bị cân tại trạm thu phí do các nhà đầu tư BOT thực hiện.
Dự kiến tiến độ phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư Dự án là từ quý III/2016 đến quý IV/2016; thời gian xây dựng và lắp đặt thiết bị từ năm 2016 - 2021.
Sẽ đấu thầu rộng rãi?
Câu hỏi đang thu hút sự quan tâm của dư luận là liệu VIETIN có được chỉ định là nhà đầu tư của dự án trên hay không? Bởi trước đó, Bộ GTVT đã chỉ định liên danh TASCO - VETC là nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và Quốc lộ (QL) 1, với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng, theo dạng thức hợp đồng BOO. Nhà đầu tư dự kiến được thu hồi vốn trong 20 năm. Trong giới đầu tư BOT, không ai còn lạ với cái tên TASCO và việc “ông lớn” này được chỉ định là nhà đầu tư có lẽ cũng không quá bất ngờ.
Thu phí tự động không dừng được nhiều nhà đầu tư đánh giá là một “miếng bánh ngon” vì theo lộ trình được Bộ GTVT đưa ra thì trong tương lai gần, tất cả các trạm BOT đều phải chuyển sang thu phí không dừng và nhà đầu tư BOO sẽ được hưởng mức phí nhất định trích từ phí BOT. Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu trước 1/7/2016, cơ bản trên QL1 và QL14 phải triển khai tối thiểu một nửa số làn thu phí tự động (ETC); phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) và đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier.