Vietnam Airlines “cõng” nợ gần 70.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù ngành hàng không đã bước sang năm phục hồi thứ 2 nhưng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn tiếp tục báo lỗ. Tình hình tài chính cho thấy nhiều khó khăn với cơ cấu tài sản - nguồn vốn mất cân đối, lỗ lũy kế lớn, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn đến cuối quý I/2023 là gần 70.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines “cõng” nợ gần 70.000 tỷ đồng

Chi phí tăng, Vietnam Airlines báo lỗ quý thứ 13 liên tiếp

Quý I/2023, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục xu hướng phục hồi với doanh thu thuần hợp nhất đạt 23.649 tỷ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 8,3% giúp lợi nhuận gộp thu về 1.959 tỷ đồng. Đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp cao nhất kể từ quý IV/2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy vậy, trước áp lực gia tăng của các loại chi phí như chi phí bán hàng (gấp 2,9 lần cùng kỳ năm 2022), chi phí quản lý (tăng 23%), chi phí tài chính (tăng 46%), Tổng công ty vẫn lỗ sau thuế 37,3 tỷ đồng trong quý đầu năm - quý thua lỗ thứ 13 liên tiếp kể từ năm 2020 đến nay.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy - phụ trách quản trị và thư ký Tổng công ty, trong quý đầu năm nay, doanh thu cả thị trường nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines đều tăng sau khi Tổng công ty khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch. Kết quả, doanh thu nội địa tăng 76,5% và doanh thu quốc tế tăng tới 618,5% trong quý đầu năm 2023.

Kinh doanh đang trên đà phục hồi và Vietnam Airlines được dự báo có thể sớm tiến tới cân bằng doanh thu - chi phí để báo lãi trở lại trong các quý tiếp theo. Tuy vậy, vấn đề mà Tổng công ty đang phải đối mặt là bức tranh tài chính đã bị tàn phá nặng nề sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh.

Cơ cấu tài chính mất cân đối, dòng tiền khó khăn

Trước khi báo lỗ nhẹ trong quý I/2023, Vietnam Airlines đã có 3 năm với 12 quý liên tiếp báo lỗ, lần lượt là 11.178 tỷ đồng trong năm 2020, 13.279 tỷ đồng trong 2021 và năm 2022 lỗ tiếp 10.369 tỷ đồng. Không chỉ xóa hết phần lợi nhuận giữ lại từ những năm trước mà tính tới 31/1/2023, lỗ lũy kế của Tổng công ty trên báo cáo tài chính hợp nhất đã lên tới 34.303 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.239 tỷ đồng bất chấp việc tháng 9/2021 Tổng công ty đã tiến hành tăng vốn gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Với kết quả kinh doanh này, cổ phiếu của Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Kinh doanh thua lỗ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 6.455 tỷ đồng trong năm 2020 và 6.759 tỷ đồng trong năm 2021 khiến Vietnam Airlines phải tăng cường vay nợ để bù đắp. Tính đến cuối quý I/2023, nợ phải trả ngắn hạn của Tổng công ty là 54.778 tỷ đồng, bao gồm nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 13.655 tỷ đồng. So với cuối năm 2019, nợ phải trả ngắn hạn của Tổng công ty đã tăng 74,3% trong khi nợ vay ngắn hạn tăng 2,1 lần. Ngoài ra, Tổng công ty còn có 15.039 tỷ đồng nợ dài hạn, trong đó có 13.594 tỷ đồng nợ vay và thuê tài chính.

Nợ vay cao, bao gồm khoản vay bằng ngoại tệ khiến Vietnam Airlines chịu áp lực chi phí lãi vay cao trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cả trong nước và quốc tế đều tăng cao, cộng thêm áp lực từ những biến động bất thường của tỷ giá. Chẳng hạn, riêng năm 2022, chi phí tài chính của Tổng công ty tăng 2,43 lần so với năm 2021. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 44%, lên 1.163 tỷ đồng, chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá tăng 13 lần, lên 2.247 tỷ đồng. Con số lỗ ròng về tỷ giá trong năm 2022 lên đến 1.483 tỷ đồng (năm 2021 lãi ròng 553 tỷ đồng), góp phần đáng kể vào mức lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng bất chấp sự phục hồi của ngành hàng không trong năm tái mở cửa.

Đến cuối tháng 5/2023, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Vào cuối tháng 3/2023, Tổng công ty đã có văn bản xin tạm hoãn công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối vì lý do của doanh nghiệp không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin. Cổ phiếu của Vietnam Airlines sau đó đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện kiểm soát với lý do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Hiện nay, vấn đề khó khăn với Vietnam Airlines là dòng tiền thanh toán các khoản nợ vay, nợ thuê tài chính và nợ phải trả đến hạn khi tổng tài sản ngắn hạn của hãng đến cuối quý I/2023 chỉ ở mức 13.269,5 tỷ đồng, bao gồm 3.863 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn. Như vậy, nợ phải trả ngắn hạn đang gấp tới 4,12 lần tài sản ngắn hạn.

Liên tiếp trong các báo cáo kiểm toán gần đây, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam - đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Vietnam Airlines nhấn mạnh về việc tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty khi nợ quá hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, vốn chủ sở hữu âm và khoản phải trả quá hạn lớn. Theo đơn vị kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê.

Tình hình tài chính hiện nay đòi hỏi Vietnam Airlines phải có phương án tái cấu trúc toàn diện để bảo đảm dòng vốn hoạt động, chứ không chỉ đơn thuần chờ đợi sự hồi phục của thị trường hàng không.

Bên cạnh đó, so với giai đoạn trước dịch, mặt bằng giá nhiên liệu bay đang cao hơn đáng kể. Với tỷ trọng cao trong cấu trúc chi phí hoạt động, chi phí nhiên liệu sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các hãng bay. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành đã gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước dịch Covid-19 sau khi đón nhận thêm một số doanh nghiệp gia nhập ngành như Bamboo Airways vào cuối năm 2019 và Vietravel Airlines vào cuối năm 2020.

Tin cùng chuyên mục