Ảnh minh họa: Internet |
Năm 2024 được coi là năm bản lề quan trọng cho mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đồng lòng, chung sức vượt qua những “cơn gió ngược” - từ kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, bất ổn địa chính trị, và lạm phát leo thang sau thời gian dài dịch bệnh…
Ở góc độ vĩ mô, GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 6,82%, cao hơn nhiều so với 4,40% cùng kỳ năm 2023 và tương đồng với mức tăng trưởng cùng kỳ của những năm trước đại dịch. Sự chuyển mình ấn tượng trên là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Trong 10 tháng năm 2024, nguồn vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh tăng 14,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8%; khách quốc tế trên 14,1 triệu người, tăng vượt bậc 41,3% so với cùng kỳ. Đó là hàng loạt những con số ấn tượng cho thấy ánh hừng đông của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report |
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng được cải thiện rõ rệt so với kết quả khảo sát được ghi nhận trong năm trước đó. Sự thay đổi trong lợi nhuận của doanh nghiệp không chỉ do doanh thu tăng mà còn nhờ tổng chi phí giảm. Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có mức tăng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm lần lượt 7,7% và 10,5%, cao hơn nhiều so với mức chưa đầy 5% của năm trước đó.
Điểm lại những khó khăn lớn trong năm 2024, xét theo tỷ lệ lựa chọn, top 5 khó khăn theo đánh của doanh nghiệp bao gồm: Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (77,2%), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (74,3%), Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng (57,1%), Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (51,4%), Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, phân phối (40,0%).
Vietnam Report nhận xét, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang pha phục hồi trong năm 2024, nhưng trên thế giới, những bất ổn địa chính trị vẫn còn đó, thậm chí có chiều hướng gia tăng thêm.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024 |
Trải qua thời gian lạm phát toàn cầu kéo dài đã đưa giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất kinh doanh lên mức cao, kết hợp những vấn đề về chuỗi cung ứng, yếu tố giá nguyên vật liệu vẫn duy trì trong top 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố giá cả sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi cả Việt Nam và các quốc gia khác đều nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm xuống mức 5,8%, từ mức 6,7% của năm 2023, và Việt Nam vẫn luôn ổn định ở mức thấp dưới 4%.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bỏ qua mức nền thấp của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tương đối phẳng - giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hàng năm.
Những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng cả ở mức độ tác động và tần suất. Gần đây, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, làm hư hại cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại ước tính hơn 80 nghìn tỷ đồng. Với những rủi ro tiềm tàng do thiên tai, các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu cụ thể hơn cho các giải pháp quản trị từ bảo hiểm vật chất, mối quan hệ với các bên và hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín với các bên cung ứng, khách hàng và nhà đầu tư.
Năm 2024 ghi nhận những thành quả từ những chính sách ổn định thị trường của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiếp sức cho doanh nghiệp Việt vững vàng, ngày một lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn ngoại.
Theo khảo sát của Vietnam Report, để tiếp tục thúc đẩy đà phát triển này, các doanh nghiệp kiến nghị một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp; Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics; Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024 |