(Đơn vị tính: tỷ đồng) |
Theo số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12,2%, ngành dược đang phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, do sự hạn chế về năng lực của các nhà sản xuất dược trong nước, thuốc ngoại vẫn đang chiếm ưu thế. Năm 2019, Việt Nam đã chi 3,07 tỷ USD cho thuốc nhập khẩu, tăng 10,2% so với năm 2018. 3 quý đầu năm 2020 cũng ghi nhận sự tăng trưởng rõ nét trong nhập khẩu dược phẩm từ các thị trường lớn so với cùng kỳ năm 2019.
Hưởng lợi từ thị trường, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước đã duy trì được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan thời gian qua. Riêng Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex ghi nhận doanh thu kỷ lục hơn 18.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Vimedimex tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu y tế, được thành lập vào tháng 11/1984 thuộc Bộ Y tế. Năm 2006, Công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex. Quá trình phát triển của Vimedimex sau này gắn liền với hình ảnh của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Loan, dù bà cùng người thân chỉ nắm giữ một lượng nhỏ cổ phần của nhà phân phối dược này.
Vimedimex cùng Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương (công ty thành viên) hiện là 2 nhà thầu cung cấp lượng lớn thuốc, thiết bị y tế cho các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước. Điều này thể hiện qua các gói thầu mà 2 nhà thầu này được lựa chọn thực hiện như: Gói thầu số 07 Mua thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia (trúng thầu năm 2019 với giá hơn 711,4 tỷ đồng); Gói thầu số 1 Cung cấp biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019 - 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc (giá trúng thầu 2.717 tỷ đồng); Gói thầu số 3 cung cấp thuốc biệt dược gốc Mabthera (Rituximab 500 mg) thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2018 (giá trúng thầu hơn 575,3 tỷ đồng)…
Từ mức doanh thu năm 2007 đạt gần 3 tỷ đồng, con số này sau đó liên tục tăng trưởng và đã cán mốc kỷ lục 18.260 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế như Vimedimex, doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận lại rất mỏng. Biên lợi nhuận ròng chỉ ở mức 0,18%.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, doanh nhân Nguyễn Thị Loan cùng doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình là Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính và đặc biệt là lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Vimefulland. Theo phản ánh của báo chí trước đó, nhiều dự án của Vimedimex từng gặp phải các rắc rối về pháp lý như xây dựng khi chưa có giấy phép, bị khách hàng mua căn hộ phản đối...